Kẻ ăn hồn là tiền truyện của series Tết ở làng Địa Ngục, được phỏng theo tiểu thuyết của tác giả Thảo Trang. Xoay quanh câu chuyện về làng Địa Ngục thuở sơ khai, phim bắt đầu bằng khung cảnh đám cưới của Phong (Hoàng Hà), con gái trưởng làng, và Sang (Võ Điền Gia Huy).
Sau hôm đó, trong làng liên tiếp xảy ra nhiều vụ án mạng kinh hoàng. Ở hiện trường, mỗi nạn nhân mất đi một bộ phận trên cơ thể. Bên cạnh thi thể của họ là một con rối cũng bị mất đi một phần tương tự. Chuyện lạ lùng và ghê rợn khiến dân làng nghi kỵ lẫn nhau.
Vốn là người mang dòng máu thuần âm có thể nhìn thấy linh hồn, Phong nhận ra đây chính là cách thức một thế lực tà đạo tu luyện rượu sọ người. Cô và người bạn tri kỷ Khảm (Huỳnh Thanh Trực) cùng nhau vén màn bí mật, đồng thời vô tình mở ra những bí mật về gia đình cô cũng như mối liên hệ giữa cô và ác nữ Thập Nương (Lan Phương).
Chất liệu văn hóa dân gian phủ ngập màn ảnh
Với tuyến truyện chính đề cập đến những cái chết liên hoàn, Kẻ ăn hồn pha trộn giữa thể loại kinh dị và trinh thám. Tác phẩm không khai thác nỗi sợ của người xem bằng những pha hù dọa bất ngờ, mà dùng những điều kỳ bí trong các điển tích của văn hóa Việt để làm nên cảm giác rợn gai ốc.
Từ những giây phút đầu tiên, phim tạo được bầu không khí ma mị với không gian mờ sương khói của ngôi làng cô lập giữa vùng núi cao. Kẻ ăn hồn cũng cho thấy nỗ lực lồng ghép những chất liệu dân gian đa dạng vào cùng một bối cảnh giả tưởng.
Với hình ảnh mọi người đeo mặt nạ chuột làm bằng giấy bồi, khung cảnh đám cưới đầu phim hiện lên như tác phẩm Đám cưới chuột của dòng tranh Đông Hồ. Việc tác giả chọn thời điểm rước dâu vào buổi tối thay vì ban ngày cũng được lấy cảm hứng từ tục cưới đêm của người Dao Mẫu Sơn.
Suốt phim, hình ảnh hình nhân, rối nước, rượu ngâm, cây sa mộc xuất hiện nhiều lần và đóng vai trò quan trọng. Không chỉ thế, nhà làm phim còn sử dụng thanh âm từ dàn dây và bộ gõ của các loại nhạc cụ dân tộc để làm nên tiếng động rùng rợn.
Những bài vè, câu đối vốn mang âm hưởng vui tươi nay nhuốm màu quỷ dị, được các nhân vật dùng để đối đáp và suy luận phá án, gieo rắc nỗi kinh hoàng. Với bối cảnh nguyên sơ của núi rừng, tác phẩm tận dụng tối đa nguồn sáng lập lòe từ ánh trăng, ngọn đuốc để làm gia tăng sự sợ hãi.
Phim khắc phục được lỗi kỹ xảo của bản series, đồng thời phát huy hiệu quả của khâu hóa trang đặc biệt. Những hình ảnh dân làng mặt nổi rỗ, đổ mồ hôi máu, hóa thành xác chết tím tái mang đến nỗi sợ chân thật.
Mượn chuyện ma quỷ nói chuyện con người
Kẻ ăn hồn có nhiều ý tứ, mượn chất liệu dân gian và thể loại kinh dị để cài cắm nhiều thông điệp xã hội của thời đại. Gia đình Phong theo chế độ phụ hệ hà khắc của thời phong kiến, khi người cha và người chồng nắm hết quyền lực, không lắng nghe và tôn trọng ý kiến của những người phụ nữ trong gia đình.
Với cha của Phong, mặt mũi gia tộc còn quan trọng hơn nỗi lòng của con gái. Ông bắt cô phải giữ kín bí mật gia đình, che đậy những điều sai trái trước mặt mọi người. Khi bắt gặp con gái mình đi cùng Khảm, ông vội vã quy tội hủ hóa cho Phong.
Sang vì ghen với Khảm nên còn "thêm dầu vào lửa", không bảo vệ danh dự cho vợ mình. Ở một số phân đoạn, khi Phong và Sang đồng sàng, hình ảnh Sang nằm quay lưng về phía vợ, đắp chăn một mình cho thấy sự lạnh nhạt trong quan hệ vợ chồng của cả hai.
Song, Phong không phải là người con gái chịu khuất phục trước khó khăn. Càng vấp phải sự phản đối từ chồng và cha, cô càng mong muốn giải đáp bí ẩn đằng sau những cái chết trong làng và ra sức ngăn cản chúng tiếp diễn. Đối diện tình cảnh chồng chỉ muốn chạy trốn khỏi làng, Phong quyết tâm ở lại cùng mọi người, dù cô liên tục gặp phải những hiện tượng ma quái.
Con rối là món đạo cụ quan trọng của phim. Không chỉ là manh mối để phá án, nó còn ngụ ý kẻ thủ ác là con rối bị thế lực ma quái giật dây, còn những phận nữ nhi hay dân thường cũng không khác gì con rối bị người quyền thế trong xã hội cũ kiểm soát, kiềm tỏa.
Dàn diễn viên đa thế hệ và vùng miền
Kẻ ăn hồn quy tụ dàn diễn viên đẹp, diễn xuất tròn vai. Hoàng Hà cùng vẻ ngoài trong trẻo khiến người xem tin vào sự thiện lành của cô gái trẻ, đồng thời vẫn có thể biến chuyển tâm lý nhân vật thông qua nụ cười bí hiểm, ánh mắt thất thần. Ở nhiều đoạn nhân vật bị nhập hồn, cô nhìn vào gương, thể hiện nụ cười man dại khiến khán giả rùng mình.
Sánh đôi Hoàng Hà, Võ Điền Gia Huy có phần yếu hơn về lực diễn. Nam diễn viên diễn còn gồng cứng, trợn mắt nhiều. Ngoài ra, trai đẹp gen Z còn gặp phải nhiều vấn đề về đài từ và cách phát âm khiến nhiều câu thoại của anh khó nghe.
Nối tiếp thành công từ bản series Tết ở làng Địa Ngục, Thập Nương do Lan Phương đảm nhận tiếp tục trở thành điểm sáng trên màn ảnh, dù xuất hiện ít ỏi. Người đàn bà bụng mang dạ chửa là người duy nhất còn sống sót trong gia tộc bị băng cướp khét tiếng một thời thảm sát. Cô vì ôm hận mà hóa quỷ, dùng ma thuật trả thù người dân làng Địa Ngục - cũng chính là hậu duệ của băng cướp năm xưa. Ở một cảnh, nữ diễn viên gây ấn tượng với đôi mắt ánh lên sự cay độc, điệu cười ma mị, động tác trườn bò trên nền đất đầy bất thường.
Bên cạnh dàn diễn viên miền Nam, dàn nghệ sĩ gạo cội phía bắc gồm NSƯT Viết Liên, NSND Ngọc Thư, NSƯT Chiều Xuân... cho thấy lực diễn bền bỉ qua năm tháng. Dù đảm nhận vai phụ, họ neo đậu những dấu ấn riêng trong tim khán giả.
Đáng tiếc của kịch bản
Sau các dự án kinh dị trước đây, đạo diễn Trần Hữu Tấn khắc phục được nhiều khuyết điểm khi dẫn nhập câu chuyện và kết thúc vấn đề một cách khá tròn trịa, không bỏ lửng tình tiết. Dù vậy, mạch phim của Kẻ ăn hồn lại thiếu đồng nhất, khiến những ý đồ nhà làm phim muốn truyền tải không được thể hiện trọn vẹn.
Ở nửa đầu, các tình tiết được kể dàn trải và thiếu kết nối, làm nhịp phim bị chậm và có phần lan man. Về sau, khi nhiều bí mật được hé mở, mạch phim bắt đầu tăng tốc và đẩy mạnh cao trào ở cuối phim. Song, nền tảng cảm xúc của người xem trước đó không được xây dựng đủ vững nên hồi kết của tác phẩm không đạt được hiệu quả tối đa. Với nhiều khán giả đam mê dòng phim kinh dị, diễn tiến và cú ngoặt (twist) của tác phẩm khá quen thuộc và dễ đoán.
Sau nhiều lần bị kiểm duyệt, Kẻ ăn hồn vẫn là một tác phẩm trọn vẹn dù nhiều đoạn diễn biến bị cắt cụt và hình ảnh nhạy cảm bị làm mờ gây ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim.
Kẻ ăn hồn đòi hỏi khán giả cần theo dõi loạt phim Tết ở làng Địa Ngục trước để có thể nắm được cách thức ngôi làng Địa Ngục và các nghi lễ hoạt động. Dù vậy, những người chưa từng xem series vẫn có thể hiểu được tinh thần chung của tác phẩm, qua việc cùng dân làng tìm kiếm sự thật đằng sau các vụ án và câu chuyện về tà thuật luyện rượu sọ người.
Đỗ Hoàng