|
Đoạn giữa cầu, chỗ phình ra, những chiếc khóa được móc thành hàng. |
Hàng đêm, mỗi khi Hà Nội lên đèn, cây cầu cổ kính cũng rực sáng và trở thành nơi hò hẹn lý tưởng của các đôi yêu nhau. Họ đến đây để được chạm vào ổ khóa treo vô tình nhưng hữu ý trên lan can cầu của những đôi khác để lấy may. Khoảng 2-3 năm nay, trên cầu xuất hiện những ổ khóa kỳ lạ. Số ổ khóa ngày càng tăng và đa dạng. Có chiếc khóa to ngoắc theo một chiếc khóa nhỏ như hình ảnh của một đôi uyên ương đang tựa vào nhau. Trên đó còn ghi hai tên viết tắt bằng chữ cái, một hình trái tim lớn và cả ngày tháng họ tới đây. Có đôi chơi trội còn dùng hẳn chiếc khóa dây màu đỏ, to và chắc chắn đeo theo một ổ khóa nhỏ ngoắc vào cầu. Trên khóa còn được trang trí bằng những hình khắc lãng mạn hay dòng chữ nguyện cầu bằng bút xóa. Dọc cầu, thỉnh thoảng lại thấy một ổ khóa nằm lẻ loi và giấu kỹ trong một hốc nhỏ như muốn bí mật tồn tại. Có đôi khóa nhỏ xinh giống nhau cheo chông chênh trên một thanh sắt gần đoạn xuống bãi bồi. Ổ khóa gỉ sét nhưng dòng chữ trên đó vẫn còn rõ chứng tỏ sự có mặt của chúng ở đây đã khá lâu.
Giữa cầu, đoạn phình ra, là nơi tập trung nhiều ổ khóa nhất. Các đôi tình nhân thường dựng xe ở nơi này để tâm sự. Tấp nập nhưng yên lặng, đôi này đi, đôi kia lại thế chỗ ngay. Thỉnh thoảng có cô gái nghịch ngợm va những ổ khóa vào nhau tạo nên tiếng kêu vui tai rồi quay lại nói với người yêu, "chúng mình cũng ngoắc khóa đi anh".
Theo những đôi bạn trẻ ở đây, mốt móc khóa lên cầu được "học theo" từ trào lưu ở Trung Quốc, Italy, Đức. Với các đôi uyên ương ở Italy, cầu Milvio là biểu tượng của tình yêu. Những người trẻ ở đây thi nhau lên cầu móc khóa sau khi đọc được cuốn tiểu thuyết của một nhà văn trẻ nước này viết về chuyện tình của một đôi trai gái. Tác giả đã tưởng tượng ra cảnh họ lên giữa cầu thề nguyền bằng cách quấn dây xích vào chân cột đèn rồi khóa lại bằng một ổ khóa to và vứt chìa đi. Chiếc chìa vĩnh viễn theo dòng nước cuốn đi như tình yêu vĩnh cửu của họ. Từ đó, những người yêu nhau không chỉ ở Italy mà còn khắp nơi trên thế giới đều muốn được đặt chân lên cầu và ghi dấu tình yêu của mình bằng cách để lại ổ khóa tại đây. Do có quá nhiều khóa khiến cho cây cầu cổ kính quá tải, chính quyền thành phố Rome đã phải cắt bớt đi và dựng biển cấm du khách để lại khóa. Dù vậy, quy định này vẫn không ngăn nổi các cặp tình nhân ngoắc khóa có lời thề non hẹn biển của mình.
Còn ở Trung Quốc, một cây cầu trong vườn quốc gia ở tỉnh Hồ Nam oằn mình "cõng" khóa của khách du lịch tới thăm. Những chiếc khóa móc chồng chéo lên nhau mang theo điều ước giản dị nhưng thiêng liêng của người yêu nhau. Dòng lưu bút để lại trên lan can cầu rồi cũng có thể bị xóa hoặc bị người khác chồng lên nhưng ổ khóa có ghi tên mình thì không lẫn vào đâu được...
Khi được hỏi về khóa, những người bán ngô nướng trên cầu lại hào hứng kể về "sự tích" cùng bao câu chuyện tình lãng mạn họ từng được chứng kiến. Họ bảo, có khi khóa là của những người đi bơi móc lên đó để khóa xe nhưng phần đa vẫn là của các đôi yêu nhau. Có chàng trai còn vẽ hẳn một trái tim trong ngày sinh nhật của bạn gái rồi tự mình ngoắc ổ khóa lên cầu. Người bạn gái đang ở bên nước Nga xa xôi nên cậu đành gửi gắm tình cảm của mình bằng cách đó.
Đêm xuống, dòng người đi lại trên cầu thưa dần, chỉ còn lại những đôi tình nhân đứng cạnh ổ khóa. "Chứng nhân tình yêu" như đang lắng nghe chuyện tình của họ.
|
Trên mỗi ổ khóa, đều có 'bút tích' chủ nhân để lại |
|
Ổ khóa còn mới này đứng 'một mình', không đứng chung với 'đồng loại'. |
|
Chiếc khóa hoen gỉ. |
|
Khóa anh và khóa em. |
|
Người đi đường tò mò với những ổ khóa móc trên cầu. |
|
Hai chiếc khóa như hình ảnh cặp tình nhân đang tựa đầu vào nhau. |
|
Mỗi ổkhóa mang thông điệp tình yêu của các đôi uyên ương. |
|
Ổ khóa 'già cỗi' bị mẻ một phần. |
|
Thành cầu là nơi các đôi yêu nhau lưu giữ kỷ niệm. |
|
Hai chiếc khóa nhỏ xinh nằm chông chênh ở một góc khuất. |
|
Có đôi chơi trội còn sắm cả chiếc khóa dây. |
Bình Minh