Hot Summer Cafe
(Cuốn sách của tôi)
Tác giả đặt tên phố của cuốn sách là Phố Nhà Binh làm cho người đọc hồ đồ cho rằng đây chính là phố Lý Nam Đế. Tôi cũng hồ đồ cho rằng tác giả tả phố Lý Nam Đế với những chiếc cổng doanh trại cao kín mít như hàm chứa đầy những bí mật. Sau này, phố Lý Nam Đế nổi tiếng là phố máy tính, thay cho những cánh cổng cao nghễu nghện là dãy văn phòng máy lạnh cửa kính sáng choang. Sau này nữa, các công ty Dot.com của Việt Nam hoặc thất bát ra đi mãi mãi hoặc ăn nên làm ra đã chuyển đi đến những tòa nhà hiện đại trong trung tâm thành phố, Phố Lý Nam Đế chỉ còn lại lác đác những cửa hàng bán đĩa phần mềm.
Nhưng phố trong Phố của Chu Lai không chỉ là phố Lý Nam Đế đơn thuần, mà là PHỐ của HÀ NỘI, là máu thịt của HÀ NỘI, là nơi năm tháng đi qua nhưng những ký ức không hề phai nhạt. Ký ức là hằn sâu nơi khóe mắt nhăn nheo của ông tướng già về hưu, ký ức là giấc mơ về một kịch bản phim về đồng đội mãi không thành, ký ức là nơi gia đình phân ly chờ ngày đoàn tụ, ký ức là những cầu thang khu tập thể chông chênh ẩm thấp, ký ức là khi PHỐ chuyển mình thức dậy sau một giấc ngủ dài mang theo những đổi thay.
Phố của Chu Lai có mùa đông kín gió, mùa hạ lá cành giao tán trên cao, có lá vàng mùa thu và tất nhiên có chồi non của mùa xuân. Phố nằm đó chứng kiến cái lo âu của người vợ khi tiền điện tháng này lên đến gần bảy mươi nghìn, Phố cũng nằm đó chứng kiến thì thào nhỏ to về việc xây khách sạn trị giá hàng tỷ đồng và những thương vụ mua bán tính bằng đô la. Phố nằm đó chứng kiến năm tháng trôi đi cũng như chứng kiến những đổi thay của con người. Phố oằn mình cùng đổi thay, để cho những ban công vươn ra được nhiều hơn, để vỉa hè dành chỗ cho những hàng quán, để không gian cây xanh dành cho các cao ốc mọc lên san sát nhau. Phố nằm đó dài ước chừng hai trăm thước... Phố vẵn nằm đó dài ước chừng hai trăm thước...
Đã lâu rồi tôi không đến phố Lý Nam Đế một phần vì không có công chuyện gì qua đây, một phần vì phố giờ đây đã chuyển thành đường một chiều nên giao thông đi lại cũng không mấy thuận lợi. Tôi nhớ Phố Lý Nam Đế còn vì một điều khác rất riêng, những kỷ niệm thời học sinh.
Tiểu thuyết Phố của Chu Lai đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình mang tên Người Hà Nội. Bộ phim được phổ nhạc bằng một bài hát sau này đã mang lại danh tiếng cho ca sĩ Mỹ Linh, ca khúc - Chị Tôi. Tôi vẫn nhớ như in một câu trong bài hát này: "Ô hay, trời không nín gió, cho ngày chị sinh...". Chỉ một câu hát mà thấy được nỗi đa đoan, truân chuyên của một đời người.
Không biết Phố của Hà Nội nằm đó chứng kiến những đổi thay của số phận sẽ cần bao nhiêu câu hát để lấp đầy nỗi đa đoan của mình?
Vài nét về tác giả bài viết:
Bài đã đăng: Tình yêu mới đẹp làm sao.