Huấn luyện chó đua. |
Tay cầm cây kim, giống như loại kim chích thuốc thú y khác, ông Trần Văn Ngọc, Quản đốc Trung tâm Sản xuất - Nuôi và Huấn luyện chó đua Bà Rịa thuộc Công ty Thể thao - Thi đấu - Giải trí (SES), giải thích: ''Bên trong đầu kim này có một con ''chíp'' cực nhỏ. Nó sẽ được bắn vào dưới lớp da, sau gáy của chó. Từ đó, mỗi con chó có một số riêng, không lẫn lộn với bất cứ con nào khác''. Sau khi được ''số hóa'', tất cả các chỉ số về thể trạng, thành tích, tốc độ đua... của chó đều được đưa vào máy tính. Trên dữ liệu đó, máy tính sẽ phân cấp chó, đề cử tham gia vào các cuộc đua.
Ông Trần Tuấn Việt, Phó tổng giám đốc SES, cho biết dịch vụ đua chó ở Vũng Tàu khai trương năm 2000. Trong những năm đầu, toàn bộ số chó đua của SES phải nhập từ Úc, giá nhập lúc đó gần 2.000 USD/con, chưa tính chi phí vé máy bay. Sau đó, SES vận động tài trợ cho chó. Mức tài trợ từ 200 USD đến khoảng 1.400 USD mỗi con, tùy theo thành tích; thậm chí có khi mức tài trợ lên đến 1.800 USD như con Phi Vương. Nhà tài trợ phải đóng cho SES từ 40- 60 USD/tháng cho chi phí nuôi, huấn luyện, chăm sóc một con chó.
Đổi lại, nhà tài trợ được hưởng các khoản thưởng khi chó của mình được xếp hạng cao trong các cuộc đua. Thí dụ, chó cấp A và B, nếu về nhất sẽ được thưởng 2 triệu đồng, về nhì và ba là l,25 triệu đồng và 750.000 đồng. Những con chó về từ hạng 4 đến 8 được ''bồi dưỡng'' 200.000 đồng. ''Vì vậy, chúng tôi phải áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, để bảo đảm tính khách quan và chính xác, tạo lòng tin cho nhà tài trợ. Trước khi đua, mỗi ''vận động viên'' phải được kiểm tra ít nhất là ba lần để xác định chính xác danh tánh trước Ban Tổ chức cuộc đua. Chúng tôi còn sử dụng hệ thống camera và máy tính để xác định thứ bậc về đích'', ông Việt nói với phóng viên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn.
Mỗi khu nhà rộng khoảng 40-50 m2 là nơi sinh hoạt của 36 con chó, mỗi con có ''một phòng riêng''. Mỗi phòng có một giường gỗ hoặc vải tùy theo sở thích của mỗi chú. Bình quân cứ sáu con chó có một huấn luyện viên.
Chúng được nuôi toàn bằng thức ăn ngoại nhập: 9h 30' ăn sáng bằng thức ăn khô nhập từ Thái Lan; 16h 30' ăn chiều bằng thức ăn khô như buổi sáng và gần nửa ký thịt kangaroo. Sau đó, giải khát bằng nước điện giải pha với mật ong.
Lịch tập luyện của chúng cũng hết sức nghiêm ngặt: 6 giờ sáng, sau khi làm vệ sinh nếu ngày không tập chạy thì mỗi ''vận động viên'' phải đi bộ 3 km. Chiều phải tập thể lực bằng chạy dài hoặc bơi khoảng 100 mét. Hồ bơi có hệ thống tạo dòng nước ngược để tăng cường độ tập luyện. ''Vận động viên'' nào bị chấn thương sẽ được chăm sóc sức khỏe bằng các thiết bị hiện đại như siêu âm, laser... và cả massage.
Từ 240 con nhập khẩu ban đầu, đến nay trại chó này đã có gần 500 con, quá thừa so với lịch đua mỗi tuần chỉ có một ngày, cả nước chỉ có một trường đua chó. Vì vậy, SES phải nghĩ đến chuyện xuất khẩu. Một đối tác ở Ma Cao đã đồng ý mua nhưng phải đạt mức cung ứng l.000 chó mỗi năm. Số lượng này vượt khả năng của SES. Tuy vậy, SES vẫn đang phấn đấu cho ''đầu ra'' này. Tổng vốn đầu tư cho dịch vụ này của SES đã lên đến gần 7 triệu USD nhưng đến giờ SES vẫn chưa có lãi.
Sau ba năm nhập vào Việt Nam, nhiều con chó nay đã già, không còn khả năng đua, cũng không còn khả năng sinh sản, nếu tiếp tục duy trì sẽ là gánh nặng rất lớn. Ông Ngọc ngậm ngùi: ''Thương lắm, người và chó gần gũi nhau suốt ngày, trong nhiều năm nhưng không còn cách nào khác đành phải cho ''đi'' những con được xem là thừa”.