Pha đấu võ tưởng như trong phim ấy là một chiêu thức tập luyện của các nữ chiến sĩ cảnh vệ. Họ là những cô gái làm công tác đặc biệt, chuyên tiếp cận bảo vệ các nữ yếu nhân. Đó có thể là phu nhân tổng thống, thủ tướng hoặc bà hoàng công chúa... các nước ghé thăm Việt Nam. Để gia nhập lực lượng cảnh vệ, các cô gái đều có những tư chất đặc biệt. Về nhan sắc và ngoại hình, họ phải là một “bông hoa xinh đẹp”. Người đẹp còn phải qua trắc nghiệm trí thông minh, sự phản xạ nhanh nhạy mới được coi là đạt chuẩn.
![]() |
Bảo vệ phu nhân Thái tử Norodom Ranariddh. |
Nói về chiêu thức của môn võ cảnh vệ, thượng tá Hoàng Minh Đạo, Trưởng phòng 5 - Bộ Tư lệnh cảnh vệ, cho báo Thanh Niên biết: "Đó là sự rút tỉa những miếng hay, những đòn thế vận dụng hiệu quả trong cận chiến. Khi xuất thủ có thể là một miếng quăng, vật của vovinam, judo, một đòn atemi dứt điểm của karate, một chiêu cầm nã thủ của nhu thuật...". Để có được bản lĩnh vừa mềm mại vừa cứng rắn là những ngày tháng đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Không hề có sự nương nhẹ cho học viên nữ, nếu không nói là sự đòi hỏi còn khắt khe hơn.
Trong lực lượng cảnh vệ, sự có mặt của phái đẹp thật là hiếm hoi, số người làm công tác cận vệ lại càng hiếm, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Rèn luyện gian khổ, môi trường làm việc căng thẳng, nhưng luôn giữ được nét đẹp tươi tắn, dịu dàng. Bên cạnh các quý bà, nữ cận vệ trong dáng vẻ mảnh mai trông chẳng khác mấy cô "thư ký" chân yếu, tay mềm. Thế nhưng "nhất cử nhất động" trong phạm vi tiếp cận đều nằm trong phạm vi quan sát tinh tường, tuy vậy không để lộ ra ở ánh mắt, nét mặt. Trong dáng vẻ rất đỗi hiền lành, họ có thể xuất kỳ bất ý ra tay khống chế đối tượng, hoặc lao lên làm "lá chắn" khi gặp sự cố nguy hiểm.
Có thể nói một chút về "đời riêng" của một người trong số họ, đó là trung tá Nguyễn Thanh Phương. Phương tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ xuất sắc, được tuyển dụng thẳng vào Bộ Công an. Sau khi được đưa đi đào tạo nghiệp vụ, cô được điều về công tác ở lực lượng cảnh vệ. Trung tá Phương giơ mấy ngón tay mềm mại làm động tác đếm thời gian: "Mới đấy mà đã mười mấy năm trôi qua rồi...". Là người trực tiếp tham gia hàng trăm cuộc bảo vệ tiếp cận, được xếp vào hàng "thâm niên" và kinh nghiệm đầy mình. Vậy mà khi nói về nghề nghiệp của mình, cô cười khiêm tốn: "Nhiều quá, có những vụ việc không còn nhớ nổi". Phương rất giỏi ngoại ngữ, cô có thể sử dụng thành thạo mấy thứ tiếng. Với công việc đầy tính chất đặc thù, đây là một lợi thế rất lớn. Thường xuyên trau dồi ngoại ngữ được coi như một thứ kỷ luật bắt buộc thường ngày. Bận rộn như vậy còn đâu thời gian dành riêng cho gia đình? Phương cho biết: "Với những chuyến đi công tác dài ngày, nhiều khi cũng gặp khó khăn trong việc chăm sóc chồng con". Bù lại, Phương có một ông xã cũng rất tuyệt vời, "luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu" và tạo điều kiện tốt nhất để vợ yên tâm trong nghề nghiệp.
Công tác tiếp cận không chỉ đòi hỏi đảm bảo về mặt an ninh tuyệt đối, mà còn yêu cầu những ứng xử trong từng hành vi, ngôn ngữ mang đậm chất văn hóa. Muốn làm được điều đó, không thể chỉ dựa trên tố chất có sẵn, mà còn phải thường xuyên học hỏi về phong tục, tập quán, văn hóa của từng nước. Thiếu tá Trần Thị Nhân gọi đó là "kiến thức về văn hóa - ngoại giao". Có như vậy mới hiểu được tại sao đoàn tháp tùng theo Vua Thái Lan, khi đứng trước mặt vua họ đều quỳ xuống, hai tay chắp lại cung kính. Hoặc phải biết do đâu mà phụ nữ Sudan đến tận ngày nay vẫn còn che kín mặt, và làm sao nhận diện được để có cách tiếp cận. Đối với các quốc gia thuộc khối Hồi giáo, họ có những yêu cầu nghiêm ngặt về nghi lễ, không được để xảy ra bất kỳ điều sơ suất nào. Đi cùng quý bà, phải biết rõ từng đặc tính, từng sở thích, kể cả thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, mới mong không... thất lễ.
Thông thường phu nhân các nguyên thủ đến Việt Nam, ngoài một số cuộc đón tiếp chính thức, còn có những hoạt động riêng. Các quý bà thường đi mua sắm, tham quan thắng cảnh, dạo phố... nhiều khi nằm ngoài chương trình, làm công tác bảo vệ thêm phần khó khăn. Phức tạp nhất có thể kể như công tác bảo vệ Hội nghị CC7 với 25 đoàn nguyên thủ các nước tham dự, hoặc Hội nghị Asean 6 với sự có mặt cùng lúc 10 đoàn các nước Đông Nam Á và 3 nước khu vực. Phương án bảo vệ phải liên tục thay đổi để theo kịp lịch trình đi lại đột xuất của các phu nhân. Một số các phu nhân thích đi về hướng biển thăm thú Đồ Sơn, ra Quảng Ninh, ngắm cảnh vịnh Hạ Long, một thắng cảnh nổi tiếng thế giới với nét đẹp kỳ ảo. Có đoàn các quý bà khác lại chọn đi thăm các địa danh, di tích nổi tiếng như chùa Hương, Côn Sơn, Kiếp Bạc... Dù đi lên rừng hay xuống biển, bằng mọi phương tiện từ ô tô, tàu thủy, máy bay lên thẳng... các nữ cận vệ không rời xa quý bà nửa bước, sẵn sàng ngăn chặn mọi bất trắc, rủi ro.
Nghề nghiệp nguy hiểm, luôn ở trong trạng thái căng thẳng, thế nhưng đời cận vệ cũng có lắm kỷ niệm vui buồn, cùng biết bao nhiêu chuyện đáng nhớ. Lần trung tá Nguyễn Thanh Phương bảo vệ phu nhân Chủ tịch Nu hác Phun xa vẳn về thăm quê bà ở Hà Tây, đã để lại trong lòng cô những cảm xúc lạ lùng. Lúc ấy sức khỏe bà đã yếu, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, tình cảm thì hết sức dạt dào. Không nệ mình là phu nhân nguyên thủ một nước, bà cứ chủ động xưng hô cô cô - cháu cháu, luôn hỏi han, bắt chuyện và sau đó còn gọi Phương là con gái cưng. Ban đầu Phương cũng cảm thấy ngại lắm, khi phu nhân cần hỏi điều gì đều trả lời đúng theo nguyên tắc. Sau dần dần mới hiểu hết tình cảm và nỗi lòng xa quê mấy chục năm đằng đẵng của bà. Bà nói chuyện mà như bộc lộ cả nỗi niềm của người thăm lại cố hương, thấy từ bụi tre, hàng chuối cho đến cánh cò chiều... đều gợi nhớ về một thời ấu thơ xa tít tắp...
Phu nhân của đồng Thủ tướng Norodom Ranariddh lại rất giỏi tiếng Việt. Bà có thể nói chuyện trực tiếp và hết sức thoải mái khi tiếp xúc mà không cần thông qua phiên dịch. Phu nhân rất thích các món ăn đặc sản của Việt Nam và thích nhất món giò lụa và còn hỏi đặt giò ở đâu ngon nhất để mang về nước. Khi nhận được giò ngon, bà còn thông qua nhân viên sứ quán chuyển lời cảm ơn đến các cô cận vệ.
Thích đi chợ, dạo phố nhất có lẽ là phu nhân Tổng thống H.Ainun Habibie. Dường như đường phố chật hẹp đông đúc của Hà Nội có sức lôi cuốn bà rất mạnh. Từ phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai, Hàng Bông... đến chợ Đồng Xuân bà đều lui tới mua sắm. Lụa tơ tằm, tranh sơn mài là hai mặt hàng được bà ưa chuộng. Và các nữ cận vệ lúc nào cũng sát cánh theo các chuyến mua sắm chiều theo sở thích rất là riêng tư của bà. Phu nhân của Tổng thống Wahid đi lại bằng chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn, nhưng trông bà lúc nào cũng tươi vui. Thiếu tá Trần Thị Nhân được phân công trực tiếp bảo vệ kết hợp với cánh an ninh nước bạn, khi cần phải dìu bà đi, kể cả việc khiêng, vác xe lăn. Thái độ tận tụy, chu đáo khiến bà rất xúc động. Cánh cảnh vệ của bạn cũng rất vui vẻ, trân trọng các đồng nghiệp Việt Nam. Khi về nước, họ còn nhớ gửi loạt ảnh chụp chung sang. Có dịp quay trở lại Việt Nam, kíp cảnh vệ này còn biểu lộ tình cảm bằng cách... ôm hôn thắm thiết các bạn cũ.
Chuyện bảo vệ đệ nhất phu nhân nước Mỹ Hillary và cô con gái Chelsea cũng lắm chuyện vui. Lịch hoạt động của bà Hillary dày đặc, bà luôn ăn trên xe, ngủ trên xe và khi bước xuống xe là bắt tay ngay vào việc theo một phong cách rất... Mỹ. Cánh an ninh Mỹ cũng quen cách làm việc theo kiểu "tốc độ" nên cũng mang sẵn thức ăn nhanh, nước uống cùng các loại kẹo tăng lực. Làm việc, tiếp xúc dân chúng, đến các điểm tham quan... cả ngày hầu như không nghỉ mà họ vẫn tỉnh rụi như không. Còn phe cảnh vệ nhà ta cứ nhịn đói "chạy" theo tốc độ của họ, đến đêm ai nấy đều mệt muốn xỉu. Rút kinh nghiệm, ngày hôm sau phe ta "thủ" sẵn theo món bánh mì để chống "đói". Trung tá Nguyễn Thanh Phương bộc bạch: "Suốt mười mấy năm làm công tác tiếp cận, nhưng đây là lần căng thẳng nhất, vất vả nhất và cũng nhiều ấn tượng nghề nghiệp nhất".
Cũng ở lần diễn ra Hội nghị Asean 6, phu nhân Thủ tướng Liên bang Malaysia trong trang phục truyền thống, lúc sắp bước lên xe bị vô tình giẫm vào váy khiến bà trượt ngã. Ngô Thị Phẩm phản ứng rất nhanh, bằng một động tác xoay người kịp thời đỡ bà thoát khỏi tình trạng thập phần nguy hiểm. Cảm kích trước hành động "cứu nguy" này, phu nhân tặng cho cô chiếc áo dành riêng cho công chúa, luôn kéo cô cùng chụp thật nhiều ảnh chung làm kỷ niệm. Khi về nước, bà còn ghi địa chỉ, số điện thoại và dặn đi dặn lại khi nào có dịp sang thăm Malaysia, nhớ phải gọi điện báo trước để bà cho người ra đón...