Tắc đường ở các thành phố lớn không chỉ vào các giờ cao điểm. |
Theo đó, có một giải pháp được Cục nhắc tới là sẽ đề xuất tăng phí đăng ký phương tiện mới bằng từ 30 - 50% giá trị của phương tiện; phương tiện lưu hành vào giờ cao điểm tại một số tuyến phố có mật độ giao thông lớn (từ 6h30 - 8h30 và 16h30 - 19h) trong nội đô sẽ phải nộp một khoản phí theo ngày với giá trị 20.000 đồng hoặc 500.000 đồng mỗi tháng đối với ôtô, 10.000 đồng một ngày hoặc 200.000 đồng mỗi tháng đối với xe máy.
Các khoản thu này sẽ dùng để hỗ trợ lại vào việc cấp vé xe buýt miễn phí cho một số đối tượng như học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức và một bộ phận người dân khác.
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTCC và Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội và TP HCM nghiên cứu mạng lưới các trường học mầm non, tiểu học để tổ chức xe buýt đưa đón học sinh đi học theo khu vực.
Giờ đưa đón từ 6h30 đến 7h30 trên các tuyến để giải quyết việc đưa đón học sinh của các gia đình gây ùn tắc giao thông như hiện nay. Học sinh cấp ba, sinh viên bắt buộc phải đi xe buýt và phương tiện công cộng đến trường. Các thành phần này sẽ được phát miễn phí vé xe buýt hoặc trợ giá đi xe buýt. Bên cạnh đó, đi bộ với cự ly ngắn dưới 500m được khuyến khích; cấm các loại xe thồ, xe thô sơ chở cồng kềnh đi vào thành phố tại một số tuyến phố, đặc biệt cấm xe thồ, xe xích lô, xe ba gác... tham gia giao thông vào giờ cao điểm. Trong giờ cao điểm, cấm ôtô chỉ có một lái xe lưu thông trên đường tại một số tuyến phố...
Cũng theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện mật độ phương tiện giao thông trên đường Hà Nội, TP HCM đã lên đến mức kỷ lục so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, giao thông nội đô được đầu tư dàn trải, do đó, ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng hơn. Mỗi năm, thiệt hại do tắc đường gây ra tại TP HCM khiến thiệt hại khoảng 14.000 tỷ đồng, Hà Nội cũng ở mức tương tự.
(Theo Tiền Phong)