Niềm yêu thích với công việc làm vườn được chị Hoàng Thị Thơm (Gia Lâm, Hà Nội) nuôi dưỡng từ khi còn là học sinh phổ thông. Chị kể, ngày đó, mỗi lần tới trường, đi qua cánh đồng trồng rau màu, chị thường để ý các bác nông dân trồng và chăm sóc rau. Vốn hiểu biết về trồng trọt của chị cứ dần dần được tích lũy theo thời gian. Năm 2007, chị Thơm bắt đầu gây dựng khu vườn trên sân thượng với mong muốn có nguồn cung cấp thực phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Việc trồng rau trên sân thường khác nhiều so với canh tác ở vườn nhà nên chị phải vận dụng linh hoạt những kiến thức có được sao cho phù hợp. Thời gian đầu trồng rau, chị Thơm khá vất vả để vận chuyển thùng lên sân thượng, chọn đất, hạt giống, cây giống. Tuy nhiên, sau một thời gian gieo trồng, chăm sóc, những khó khăn đã được cải thiện từng ngày. Hiện tại, sau 10 năm làm "nông dân sân thượng", chị đã có được một khu vườn với 120 thùng xốp, 4 bồn trồng xây gạch bao quanh với tổng diện tích hơn 100 m2. Chị Thơm liên tục thay đổi loại rau, quả trong vườn "mùa nào thức nấy". Vào mùa hè, chị trồng các loại rau ngót, rau dền, rau muống, mùng tơi, dưa chuột, dưa lưới... và vụ đông lại có cải bắp, su hào, đậu cove, rau cần, khoai tây... "Mùa gặt kết thúc cũng là thời điểm bướm trắng bay về vườn đẻ ấu trùng và nở thành sâu vì không còn nơi cư ngụ. Ở thời điểm này, khi tưới rau, mình hay để ý mặt dưới của lá để tìm tổ trứng sâu, diệt khi còn là trứng. Nếu để một tổ nào đó nở thành sâu, thấy mặt lá rau lỗ chỗ, lật mặt dưới lên sẽ là đàn sâu. Sâu non hay tập trung thành đàn và chỉ ăn ở dưới mặt lá. Sâu trưởng thành sẽ ăn riêng lẻ và nằm trên mặt lá. Đặc biệt, buổi tối hạn chế bật bóng điện ở vườn để bướm không bay về đẻ ấu trùng. Khi vườn quá nhiều sâu, mình thường pha chế dung dịch tỏi, ớt hoặc sử dụng thuốc sâu sinh học để phun phòng trừ", chị Thơm chia sẻ. Đối với những loại rau không cần nhiều đất, chị Thơm bố trí 2-3 cây vào một chậu để tận dụng tối đa diện tích trồng. Nhiều loại cây vốn chỉ sống trong môi trường nước, đất bùn như rau cần cũng được chị Thơm trồng thành công trong khu vườn trên sân thượng. Vụ rau vừa qua, chị còn trồng thêm cả khoai tây. Hiện tại, khi các "nông dân sân thượng" đã rục rịch chuẩn bị gieo trồng đợt mới thì chị Thơm cũng đã sẵn sàng cho một vụ xuân hè bội thu. Theo kinh nghiệm, chị thường bắt đầu vụ xuân hè sau Tết thanh minh vì lúc này, thời tiết ấm áp, thuận lợi cho cây phát triển. Những loại rau quả thích hợp với vụ xuân hè gồm: rau ngót, rau muống, mùng tơi, bí đỏ, mướp, rau đay, dưa chuột, dưa lưới, dưa hấu, đậu đũa. Chị Thơm trồng các loại rau ngót, rau muống, rau cần bằng cành; gieo hạt mùng tơi, dưa lê, dưa hấu, dưa lưới... Tất cả chị đều chọn giống F1 để cây sai quả và kháng bệnh tốt. Chị Thơm cũng chia sẻ bí quyết để bớt sâu bệnh là trồng cây theo mùa vụ, căn đúng thời điểm để trồng và hiểu đặc tính của từng loại rau. Ví dụ, rau muống đầu mùa hay bị nhện đỏ, rau ngót đầu mùa thường bị xoăn ngọn. Su hào, cải bắp thì nên trồng vào tháng 9-10 là chính vụ, trồng sớm quá hay muộn quá cũng dễ bị sâu bệnh và rau không phát triển. Các loại cây ăn quả khi đậu trái đều được bọc bảo vệ bằng túi nilon, túi lưới để không bị chuột hoặc chim ăn. Mát tay chăm bón nên sản lượng rau, quả thu hoạch trong vườn nhà đáp ứng được nhu cầu cho cả gia đình chị. Thậm chí, nhiều khi ăn không hết, chị Thơm còn đem tặng người thân, bạn bè. Đối với những loại cây leo giàn như bầu, mướp, bí... muốn cây sai quả thì theo chị Thơm cần phải khoanh gốc và thụ phấn cho hoa. Cách này giúp tăng tỉ lệ đậu quả. 10 năm trồng rau, chị Thơm giữ thói quen mỗi sáng đều dành 30 phút để tưới rau, hái rau, bắt sâu, xem tình trạng sâu bệnh phá hoại và 15 phút buổi chiều để tưới bổ sung khi trời nắng, chăm vườn vào các ngày chủ nhật. Sau mỗi vụ thu hoạch, chị Thơm thường dành thời gian cho để nghỉ, để ải khoảng một tháng mới trồng đợt tiếp theo. Việc trồng liên tục sẽ khiến rau dễ gặp sâu bệnh và cần luân phiên thay đổi cây trồng trên một thùng đất. >> Vườn cà chua chín nục của chị Hoàng Thị Thơm Hà Nhi