![]() |
Nhạc sĩ Quốc Bảo. |
Chính thức làm công việc sản xuất âm nhạc từ năm 1997, tôi đã viết khoảng 250 ca khúc mà chỉ 1/3 số đó được công bố. Tôi đã soạn khoảng trên 1.000 bản hòa âm, biên tập hơn 150 đĩa nhạc, viết 4 soundtracks cho các dự án Video Art của nghệ sĩ tạo hình Nhật Jun Nguyen Hatsushiba, xuất bản 2 cuốn sách về nhạc trẻ thế giới và Việt Nam, và là tác giả vài trăm bài tiểu luận, tạp luận, chân dung nhân vật, phê bình đăng trên các báo, tạp chí Việt Nam cũng như trên các website chuyên ngành nghệ thuật viết bằng Anh ngữ.
Kể “thành tích” như thế để làm gì? Xin thưa, để có cơ sở để chứng tỏ tôi là một nhà hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, và hiển nhiên, rất hiểu công việc mình đang làm.
Ta nên đi thẳng vào điều đang gây hoang mang: Tôi có ăn cắp thành quả lao động của ai không, trong những sáng tác của mình?
Quan điểm sáng tác của tôi là, phải viết được đa thể loại, đa phong cách. Mỗi thể loại hay phong cách đều được tôi khai thác đến kiệt cùng khả năng; thậm chí có những thể tài như chuyển soạn các tác phẩm cổ điển cho classical guitar đã chiếm của tôi mất ba năm, với hàng trăm tác phẩm F. Chopin, J.S. Bach, N. Paganini. Tôi cũng quan niệm rằng, trong ca khúc, phần giai điệu chỉ là một thành tố, trong khi hòa âm, các phương tiện thu âm, giọng hát và hiển nhiên ca từ nhiều khi lại đóng vai trò chính trong việc diễn đạt cảm xúc.
Vì thế, để tạo nên những trạng huống tâm cảm, những môi trường thẩm mỹ đa dạng, tôi vẫn quan tâm tìm tòi nhiều cách kiến tạo giai điệu khác nhau, không chỉ khai thác âm giai 5 nốt Việt với cách khai triển cổ điển (Khúc hát ban mai, Bài tình cho giai nhân, Vàng son, Còn hồng trên môi, Tình ơi, Ca dao hồng... ) mà còn thể nghiệm rất nhiều chất liệu khác, như dân ca Italy, Nga, Bắc Âu, blues Mỹ, blues Anh, nhạc Celtic, nhạc cổ truyền Nhật. Tôi tạo nên không khí cho những bài hát của mình khi thì bằng nền chuyển hành hòa âm và khi khác thì “ngụy trang” bằng những tiết tấu bộ gõ hoặc âm sắc nhạc cụ.
Ánh trăng viết cho Ngô Thanh Vân là bài hip hop mà chủ đề cho dàn dây được gợi ý từ bộ đĩa dân nhạc Na Uy do Vân tặng tôi. Cách phát triển theo vòng quãng năm cổ điển với các phức điệu “học Bach” vốn là sở trường của tôi và có thể nghe lại Tóc nâu môi trầm hay cả bài phối khí cho Cẩm Vân tổ khúc Đóa hoa vô thường (Trịnh Công Sơn) để nhận ra phong cách này. Lối đọc rap trên một nền chủ đề trì tục (pedal theme) là cung cách truyền thống của các bản hiphop châu Âu không có gì lạ cả.
Để anh cháy cùng em ăn cắp Dance with me? Ôi, tội nghiệp Debolah Morgan quá! Chắc hẳn người viết bài này biết rõ, như tôi biết rõ, là mình đang chủ tâm lấy chủ đề của Adios Muchachos, bài tango kinh điển, để tạo ra một trường cảm xúc cho bài hát của mình, những đêm khiêu vũ trắng. Vâng, đó là chủ tâm và được phép, thậm chí được khuyến khích bởi những nghệ sĩ hậu hiện đại. Xu hướng “nhại lại”, “cắt dán” của trào lưu post-modernism sẽ được nói rõ hơn ở một dịp thuận tiện.
Tình ca được viết trên một nền phối khí có sẵn, đó là bản remix không giai điệu của cặp bài trùng xuất sắc Jam & Lewis. Cảm hứng chủ đạo của Tình ca thực ra nằm ở câu hát Sẽ đánh thức tình em đấy, chắc em không ngại chứ chẳng hề ở đâu khác và nó chẳng hề vơi đi khi không có bản remix kia.
Có hai phương cách kiến tạo bài hát, đầu tiên là đặt chuyển hành hòa âm (chord progression) trước rồi căn cứ vào nền ấy để viết giai điệu. Cách hai, là viết giai điệu trước; việc đặt hòa âm có thể giao cho nhà phối khí; người này lại có thể đặt hòa âm hợp với phong cách phối của mình (nhiều khi phải... ép vào một chuỗi hòa thanh truyền thống, chẳng hạn phối nhạc jazz hay Texas blues, country rock hay soul). Như vậy, khả năng trùng hợp hòa âm giữa hai hay nhiều bài hát là rất lớn. Vin vào vòng hòa âm giống nhau để kết luận hai tác phẩm ăn cắp của nhau là lý luận tồi, kém hiểu biết.
Cũng kém hiểu biết hệt như thế nếu cứ nói mãi chuyện Swan lake và Còn ta với nồng nàn. Tôi đã viết bài này chẳng cần cầu viện Tchaikovsky; đoạn nhạc cổ điển ấy chỉ là cái cớ cho bài phối khí.
Tôi chỉ nói một lần với những người yêu mến tôi mình để thấu hiểu nhau, để nuôi dưỡng lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau. Cho dù thực tâm mà nói, tôi vẫn tin rằng chính cuộc đời nghệ thuật của mình mới là bằng chứng sinh động cho mọi điều, chính tác phẩm của mình mới là người biện giải hay nhất cho những quan điểm.