Trong một dịp đi công tác, tôi đã gặp M., một người bạn học chung đại học. Trong khi hàn huyên, M. cho biết hiện đang làm PR cho một công ty ở Hà Nội, nhưng sẽ “nhảy” việc vì có rất nhiều công ty nước ngoài mời M làm việc với lương tháng cả ngàn đô.
Tôi không khỏi bất ngờ và khâm phục trước những gì M. nói bởi khi học đại học, M. chẳng có gì nổi bật, lại luôn luôn dính với các cuộc thi lại liên miên, nhất là môn ngoại ngữ. Vậy mà giờ đây, M. đang đứng trước nhiều cơ hội mà đối với nhiều người chỉ là giấc mơ. “Có một công ty mời tớ sang Afghanistan làm việc trong ba năm với mức lương 1.000 USD/tháng. Nhưng tớ đang suy nghĩ vì sợ ba năm ấy quá lâu...”.
Khi tôi hỏi công ty đó mời làm vị trí nào thì M. lại tỏ vẻ ngập ngừng: “Có lẽ phụ trách vấn đề truyền thông gì đó”. M. lại tiếp: “Tớ đang yêu một anh chàng Ấn Độ làm trong ngành bất động sản. Có thể sau khi cưới bọn tớ sẽ sang bên đó”. Hỏi chuyện một lúc, M. mới tiết lộ là họ quen nhau qua mạng và chưa hề gặp mặt. “Nhưng cuối năm nay anh ấy sẽ sang Việt Nam, chúng tớ hẹn gặp nhau rồi!”.
Trong lần họp mặt bạn cũ ở TP HCM, tôi kể lại chuyện của M. để cùng mừng cho nhau. Ai ngờ, một người bạn nói: “Trời ơi, cậu nghe M. thì đổ thóc giống mà ăn, lần trước gặp mình, M. nói là sắp đi Campuchia làm cho một tổ chức phi chính phủ đấy, mà có thấy đi đâu, giờ lại nói sắp đi Afghanistan. Mấy anh làm cùng M. nói cô ấy làm việc kém lắm, có lần suýt bị đuổi việc ấy chứ!”.
Còn T., hiện đang làm cho một công ty phần mềm, lại khiến đám bạn cùng lứa “choáng” bởi mới 24 tuổi, T. đã làm chủ một ngôi nhà ở quận 7, TP HCM.
“Chẳng ai tin tớ mới ra trường đã mua được nhà, nhưng từ hồi sinh viên tớ đã làm ra tiền rồi, khi đi làm phải tìm cách làm ăn bên ngoài, chứ lương thì được bao nhiêu”, T. nói đầy vẻ hãnh diện. Nhưng mới đây, trong một lần sang nhà T. chơi, những người hàng xóm cho biết, thực ra T. đang trông nhà hộ cho ông bác đi công tác dài ngày ở nước ngoài, hiện ngôi nhà bị cắt điện, nước thường xuyên vì T. không có tiền đóng đúng kỳ hạn...
Thích nói quá, hóa kết cục buồn
H. đang là sinh viên Đại học Luật lại hay khoe với bạn bè là sắp đi du học ở Mỹ có học bổng hẳn hoi. Thế nhưng, mãi chẳng thấy H. đi đâu cả. Hỏi thì H. nói: “Tại vì thủ tục xuất cảnh có chút rắc rối nên tháng tới mới đi được”. Nhưng một người bạn của H. một lần đã nhận được email của H. (gửi lộn địa chỉ). H. viết thư bằng tiếng Anh cho một gia đình người Thụy Sĩ, xin được trông coi em bé cho gia đình này rồi tìm cơ hội đi học bên đó. Lúc này, bạn bè mới vỡ lẽ vì sao mà H. mãi chẳng “bay” được, suất du học Mỹ chỉ do H. tưởng tượng ra mà thôi.
Những bạn trẻ “thao thao bất tuyệt” về những điều không có thật của bản thân ngày càng nhiều. Theo một số chuyên gia tâm lý, thì đó là biểu hiện của sự thiếu tự tin, ảo tưởng về những điều mà bản thân họ đang gặp khó khăn hoặc những điều họ mong mỏi thực hiện nhưng không có khả năng làm được điều đó.
Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ thích nói quá về mình như một thói quen và họ cảm thấy thỏa mãn khi được người khác ngưỡng mộ. Như trường hợp của N, nhân viên kiểm toán trẻ tuổi, thường hay kể về người đàn ông của mình: “Anh ấy chiều em lắm, nửa đêm em đói anh ấy cũng chạy đi mua đồ ăn cho em. Anh ấy còn nói sẽ mua chung cư cho em ở”.
Ai cũng mừng cho N., giục N. nhanh làm đám cưới nhưng mãi vẫn chẳng thấy N. đưa người yêu đến giới thiệu. Hóa ra người N. yêu đã có vợ, N. phải thường xuyên sống trong sự mong mỏi người đàn ông đó sẽ ở bên cạnh, quan tâm, chăm sóc mình...
Sau vài lần biết tính khoác lác của M., T... bạn bè, đồng nghiệp dần dần xa lánh, hoặc “nghe rồi để đấy” mà không tin tưởng vào những gì họ nói. Mới đây, M. đã nghỉ việc ở công ty cũ và làm cho một công ty tư nhân với lương thử việc 1 triệu đồng/tháng. Còn N. cũng đã chia tay người yêu vì anh ta không bỏ được vợ để “chăm sóc” cô chu đáo như những gì thật tuyệt vời mà cô kể với bạn bè.
(Theo Người Lao Động)