Sự uất ức của những người bố, người mẹ mất con đã giải tỏa phần nào khi công an Quảng Trị ngày 22/5 thông báo, nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh là do y tá trực tiêm nhầm thuốc gây mê Esmeron thay vì tiêm vắcxin viêm gan B.
Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Nguyễn Đình Đạo (38 tuổi) và chị Nguyễn Thị Nga (31 tuổi) ở khóm Đông Chín (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) hôm nay vẫn đượm hương khói.
“Đọc trên báo, hay tin nguyên nhân gây ra cái chết của con, tôi mua ít hoa quả thắp hương cho cháu mà lòng quặn lại”, anh Đạo nói.
Anh Đạo làm thợ cơ khí, đi về như con thoi giữa Việt Nam và Lào để nhận công trình, còn vợ làm công nhân ở nhà máy sản xuất xăm lốp. Quần quật đầu tắt mặt tối nhưng hai vợ chồng tích cóp không được bao nhiêu, khi con đầu lòng lên 12 tuổi, anh chị mới quyết định sinh cháu thứ 2.
“Vụ án kéo dài cả năm nay khiến gia đình tôi nhức nhối. Nhiều lần tôi thắc mắc với cơ quan điều tra, băn khoăn đi vào ngõ cụt, cảm thấy oan ức khi con chết mà chưa kịp nhìn mặt cha mẹ”, anh Đạo buồn rầu.
Anh cho biết chiều 19/7/2013, chị nhà trở dạ nên anh đưa hai mẹ con xuống chờ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa. Đến 23h30 đêm đó, chị Nga sinh hạ cháu trai nặng 3,4 kg.
“Cháu nhà tôi rất khỏe, bú bình thường. Sáng hôm sau, y tá Thuận đến phát cho tôi một tờ phiếu nói tiêm vắcxin viêm gan B. Khoảng 4 phút sau khi tiêm, vợ tôi hét lên: “Con bị gì anh ơi!”. Tôi véo vào người con không thấy phản ứng nên vội bồng cháu đi gọi cấp cứu”, anh Đạo kể.
Sau sự việc, gia đình anh liên tục gặp chuyện buồn. Là người gốc ở Huế, anh Đạo đưa con vào mai táng ở quê An Lỗ, huyện Phong Điền. Cả nhà anh Đạo bỏ công bỏ việc ngược xuôi lo chuyện tâm linh cho con không biết bao nhiêu lần.
“Càng chờ, gia đình càng bức xúc. Nếu y tá Thuận sớm nhận tội, nỗi đau của gia đình giờ đã nguôi bớt phần nào. Uy tín của ngành y tế không bị ảnh hưởng và nỗi lo của xã hội cũng không kéo dài”, anh Đạo nói.
Còn tại bản 7, xã Thuận (huyện Hướng Hoá), đôi vợ chồng trẻ Hồ A Hang và Hồ Thị Thương (cùng 25 tuổi) cưới nhau được một năm thì chị Thương sinh hạ con đầu lòng.
“Cả nhà chuẩn bị đầy đủ để đón con về, ai ngờ con tôi mất oan nghiệt như thế. Sự thật đã được làm rõ, tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm có hình thức bồi thường theo quy định”, anh Hồ A Hang nói. Gác lại nỗi đau, chị Thương lần thứ hai mang thai với khát khao cháy bỏng được làm mẹ.
Còn chị Trần Thị Hà (trú thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) không muốn nói nhiều về mất mát đã qua. Chị bảo đây là lần sinh nở thứ 3. Duyên số cuộc đời đã gắn gia đình chị với 2 gia đình còn lại trong nỗi đau chung mất con.
Nguyên nhân về cái chết của con cứ rơi vào hư không khiến nhiều lần gia đình chị Hà hụt hẫng. “Tôi chỉ muốn sớm đưa vụ án ra xét xử để không còn vụ việc đau lòng khác diễn ra”, chị Hà nói.
Còn anh Nguyễn Đình Đạo, ngoài chuyện bồi thường chi phí, tổn thất về tinh thần và mai táng, hai vợ chồng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong hệ thống y tế. “Con tôi sinh ở bệnh viện Hướng Hóa thì còn có trách nhiệm của cả bệnh viện, chứ không riêng gì y tá Thuận”, anh Đạo nói.
VnExpress