Hôm 5/10, Ủy ban Nobel Hòa bình đã công bố giải Nobel Hòa bình 2018 dành cho hai nhân vật là Nadia Murad và Denis Mukwege vì những nỗ lực của họ trong việc chấm dứt nạn bạo lực tình dục. Denis Mukwege là bác sĩ phụ khoa người Congo, còn Nadia Murad là nhà hoạt động nhân quyền người dân tộc thiểu số Yazidi ở Iraq.
Nadia Murad, 25 tuổi, trở thành người đoạt giải Nobel Hòa bình trẻ thứ hai và là người Iraq đầu tiên nhận được giải thưởng này. Trước khi được vinh danh, Nadia là một trong số ít phụ nữ sống sót trốn thoát sau khi bị ép làm nô lệ tình dục cho phiến quân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq.
Nadia sinh ra và lớn lên ở ngôi làng Kocho miền núi phía bắc Iraq, gần biên giới với Syria. Cô từng có mơ ước trở thành một giáo viên lịch sử hoặc một chuyên gia trang điểm. Tuy nhiên, cuộc sống yên bình của cô chấm dứt khi phiến quân IS trỗi dậy và mở các cuộc tấn công quy mô lớn trên lãnh thổ hai nước vào năm 2014.
Nadia Murad sinh năm 1993, lúc bị phiến quân IS bắt cô vẫn đang đi học. Ảnh: CNN.
Tháng 8/2014, phiến quân IS xông vào ngôi làng Kocho, tàn sát đàn ông, bắt đi những đứa trẻ và hàng nghìn phụ nữ. Mẹ Nadia cùng 6 trong số 9 người anh em và em họ của cô đã bị chúng hành quyết. Nhiều phụ nữ trong làng bị chúng đưa đến chợ nô lệ và bán đấu giá cho các binh sĩ.
Nadia kể trên Guardian: "Chợ nô lệ được mở vào ban đêm, chúng đi xung quanh phòng, nhìn chằm chằm vào các cô gái. Chúng kiểm tra miệng, tóc, hỏi chúng tôi bao nhiêu tuổi và còn trinh không. Sau đó chúng gật đầu hoàn thành giao dịch mua các cô gái như một món hàng".
Sau khi bị bắt, giống như hàng nghìn cô gái khác, Nadia bị ép kết hôn với một tay súng IS, chịu hành hạ, bị bắt trang điểm và mặc quần áo bó. "Điều đầu tiên chúng làm là ép chúng tôi cải sang đạo Hồi", Murad trả lời phỏng vấn trên CNN.
Suốt thời gian bị phiến quân IS bắt giữ, cô liên tục bị cưỡng bức tập thể, tra tấn và đánh đập. Ngoài bắt các cô gái trẻ làm nô lệ tình dục, IS còn buôn bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ lao động khổ sai, ép người Yazidi cải sang đạo Hồi bởi chúng coi họ là dị giáo.
Sợ hãi trước những đòn tra tấn liên tục từ phiến quân, Nadia lên kế hoạch chạy trốn và nhận được sự giúp đỡ của một gia đình Hồi giáo ở Mosul. Nhờ giấy tờ giả, cô đã tới được vùng đất của người Kurd ở Iraq và gia nhập nhóm người tị nạn Yazidi. Với sự giúp đỡ của một tổ chức hỗ trợ người Yazidi, cô đã đến Đức, đoàn tụ với chị gái.
Vào tháng 11/2015, Nadia lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại Thụy Sĩ để kể câu chuyện của chính mình, một nô lệ tình dục chạy trốn khỏi IS. Cô nói: "Hàng nghìn phụ nữ và trẻ em bị giam cầm, tôi chỉ là một trong hàng trăm nghìn nạn nhân Yazidi. Quê hương tôi vẫn đang bị IS chiếm đóng và tôi mong muốn cộng đồng trên thế giới lắng nghe nhiều hơn những gì đang xảy ra với Yazidis".
Từ đó, Nadia trở thành nhà hoạt động nhân quyền, luôn đấu tranh cho "cuộc chiến của dân tộc" và trở thành người phát ngôn nổi tiếng của phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục trên toàn cầu.
Trong phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, cô kể lại thời điểm kinh hoàng năm 2014: “Gần 6.500 phụ nữ và trẻ em Yazidi bị bắt cóc, khoảng 5.000 người Yazidi bị sát hại vào ngày hôm đó. Suốt 8 tháng, chúng tôi bị giam trong phòng tối, phục vụ nhu cầu tình dục của các binh sĩ và bị cách ly khỏi bố mẹ, anh chị em”.
Trước khi được vinh danh với giải Nobel Hòa bình, Nadia từng nhận giải thưởng nhân quyền Sakharov của Liên minh châu Âu vào năm 2016. Cô cũng ra mắt một hồi ký với tiêu đề “Cô gái cuối cùng” vào năm 2017.
Tiếng nói của Nadia đã có sức ảnh hưởng trên toàn cầu, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2017 đã cam kết giúp Iraq thu thập những bằng chứng để chống lại tội ác của nhà nước Hồi giáo IS.
Sơn Nam