Sân Chùa Cuối (Nam Định - HAGL, năm 2003)
Sân Chùa Cuối (nay là Thiên Trường) hiện nay đìu hiu gió lạnh. Nhưng trong quá khứ, năm 2003, nơi này từng chứng kiến một trận “vỡ sân” đi vào lịch sử bóng đá Việt. Sân có sức chứa vài chục nghìn khán giả nhưng nó đã trở nên nhỏ bé so với nhu cầu khán giả vào xem ở trận Nam Định gặp HAGL khi đó đội hình có thế hệ vàng người Thái.
Khán giả trèo lên giàn giáo quanh sân, tràn xuống đường piste để xem. Kiatisuk và các đồng đội thi đấu trong cảnh “tim đập, chân run” và chấp nhận thua 2-3. Ban tổ chức sân cũng nín thở “chiều” theo khán giả bởi sợ làm quá có thể dẫn đến những hậu quả khó lường khi nhiều CĐV hừng hực sẵn sàng kích động. Một cựu thành viên CLB HAGL tâm sự, may là đội bóng phố núi đã thua (và vẫn vô địch) chứ nếu họ thắng, không biết hậu quả đi đến đâu khi khán giả ngồi cách đường biên vài bước chân.
Sân Thanh Hóa (Thanh Hóa - Đà Nẵng, 2007)
Năm 2007, Thanh Hóa giành quyền lên chơi V-League trong sự háo hức của người hâm mộ nơi đây cả trên sân nhà lẫn sân khách (như khi đội thi đấu trên sân Quân khu 7 - TP HCM). Sân Thanh Hóa từng có vài lần “vỡ” như năm 2007 trong trận đấu giữa Thanh Hóa - Đà Nẵng. Khoảng 30.000 CĐV có mặt trên sân trong khi sức chứa của các khán đài chỉ là 10.000 người. Khán giả vừa đông, lại có nhiều thành phần quá khích nên trận đấu có lúc vượt tầm kiểm soát của ban tổ chức sân.
Hàng trăm CĐV ngồi ngoài sân lao vào uy hiếp trọng tài Võ Minh Trí để ông bẻ còi công nhận bàn thắng gỡ hòa 1-1 cho chủ nhà. Trọng tài người TP HCM cũng cố gắng giữ cho trận đấu không “vỡ”. Ông cho trận đấu kết thúc sớm hơn vài phút. Sau đó, ban tổ chức giải xử Thanh Hóa thua 0-3, buộc đá sân trung lập.
Sân Lạch Tray (Hải Phòng - Đà Nẵng, 2009)
Năm 2009, Lạch Tray chứng kiến cảnh “vỡ sân” ở trận ra mắt tân binh Denilson. Trên sân không còn một chỗ đứng mà vẫn còn rất nhiều CĐV kéo vào sân để hy vọng gặp mặt danh thủ lừng lẫy của bóng đá Brazil và thế giới. Ban tổ chức sân phải linh động tạo thêm một số chỗ đứng xem ngay dưới đường piste bằng việc quây một khu vực riêng bằng dây thừng cho các CĐV đã vào được sân.
Sân Thống Nhất (Sài Gòn Xuân Thành - Hà Nội T&T, 2012)
Năm 2012, sân Thống Nhất có lần hiếm hoi chứng kiến cảnh “vỡ sân” trong khuôn khổ một trận đấu tại V-League. Ở trận đấu quyết định đến ngôi vô địch, Sài Gòn Xuân Thành gặp Hà Nội T&T. Bầu Thụy quyết định mở cửa tự do kèm theo khuyến mãi… uống bia thả ga. Một lượng lớn khán giả đến sân chen cứng các lối đi, trèo lên cả hàng rào và chờ tràn xuống sân. Ban tổ chức giải phải đóng cửa sớm để đảm bảo an toàn cho trận đấu.
Sân Vinh (SLNA - Sài Gòn Xuân Thành, 2013)
Năm 2013, sân Vinh “vỡ” trong ngày SLNA tiếp đón Sài Gòn Xuân Thành. Ở trận đấu này, rất nhiều CĐV đội chủ nhà đã trèo rào, tràn xuống sân, thậm chí còn thực hiện biên pháp “sáng tạo” là bắc thang vượt qua tường rào. Các tường rào quanh sân nhiều nơi biến dạng trước sức ép của CĐV. Gần 30.000 khán giả có mặt trong sân, trong khi sức chứa sân chỉ khoảng 20.000 người.
Các thành viên đội bóng Sài Gòn Xuân Thành cho rằng việc này gây ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu khi họ vừa đá, vừa nơm nớp lo các CĐV chỉ ngồi cách đó vài bước chân “làm thịt” mình. Ban kỷ luật sau đó đưa ra mức phạt cảnh cáo đối với ban tổ chức sân Vinh.
Sân Pleiku (HAGL - Khánh Hòa, 2015)
Ngay đầu mùa giải 2015, sân Pleiku "vỡ" khi lứa Công Phượng thi đấu tại V-League. Theo ghi nhận, có khoảng 13.000 CĐV vào sân trong khi sức chứa sân chỉ 10.000. Nhiều người phải xuống sát sân để theo dõi. Đích thân bầu Đức xuống sân mời người già, phụ nữ và trẻ em lên khu vực khán đài A nhưng vẫn còn rất nhiều khán giả không có chỗ ngồi. Rất may, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Nhưng theo báo cáo của các giám sát, chắc chắn sân Pleiku sẽ nhận án phạt từ ban tổ chức giải khi để tình trạng này diễn ra.
Ngọc Hà