Ảnh minh họa. |
Anh Sơn Hải, một kỹ sư làm ở quận 10, TP HCM, có hai đứa con, một trai, một gái. Ra đường, anh được tiếng là người lịch sự, thành đạt, chu đáo với mọi người nhưng khi về nhà lại thờ ơ với con cái một cách kỳ lạ. Khi anh thức dậy, con đã đi học còn khi anh về nhà, chúng đi ngủ từ lâu. Chủ nhật, cha con có gặp nhau thì anh chỉ bẹo má mấy con vài cái, hy hữu lắm mới gọi lại hỏi đang làm gì, mà có hỏi thì nghe cứ như nói với con nhà hàng xóm.
Anh hiếm khi la mắng hay chơi với con vì có gặp chúng đâu. Chẳng phải vì bận việc gì nhiều mà thật ra, ngoài giờ làm việc, anh ham mê bù khú bạn bè, với những cuộc nhậu xã giao. Anh có thể đi sinh nhật con sếp đến hơn 1h sáng nhưng chẳng hề dành thời gian chở con trai đi nhà sách. Khi bọn trẻ còn nhỏ, ai hỏi cháu bé được mấy kg thì anh quay qua hỏi vợ rồi mới biết đường trả lời. Chị Nhàn, vợ anh, thường xuyên nhỏ to bảo anh nên gần gũi, quan tâm, chăm sóc con cái mà cũng chẳng thay đổi được kiểu sống đó của chồng. Thế nên, đối với hai đứa con, bố chỉ là một ông khách thường gặp và hơi dễ mến mà thôi.
Anh Sơn Hải và chị Nhàn về sau ly hôn vì sống không hòa hợp. Ngày ra tòa, dù đã có thỏa thuận trước nhưng có lẽ vì "quê" với mọi người nên anh đột ngột đòi nuôi một đứa con. Chị Nhàn hỏi lại một câu nghe cứ như đùa nhưng nhanh chóng làm anh "đo ván": "Anh nói chính xác bé Na học lớp mấy em sẽ đồng ý cho anh nuôi con". Thế là anh Hải chỉ được làm cha qua việc cấp tiền nuôi dưỡng hằng tháng. Với đám trẻ con, có bố hay không có bố chẳng ảnh hưởng lắm đến cuộc sống hiện tại của chúng vì lâu nay anh có gần gũi con mấy đâu.
Ngoài kiểu hời hợt tình cảm như anh Hải thì chuyện "khoán trắng" con cho vợ cũng nói lên sự thờ ơ, lãnh đạm của những người có trách nhiệm làm cha trong gia đình. Chị Bình sinh ba đứa con, vừa buôn bán vừa chăm lo gia đình. Chồng chị là công chức, "sáng cắp ô đi tối cắp về". Anh chẳng động tay vào việc nhà lẫn dạy bảo con cái. Các con anh từ nhỏ tới lớn nếu có quyết định việc gì cũng chỉ biết hỏi mẹ vì có hỏi bố thì cũng chỉ nghe câu "Tùy mẹ con mày". Nếu mọi chuyện tốt đẹp thì không sao, còn có lỡ sơ sẩy thì lại nghe anh càu nhàu: "Tại mẹ con mày hết". Tóm lại là chẳng có việc gì liên quan đến anh.
Những kiểu bố như anh Hải hay chồng chị Bình hiện nay không hiếm. Có lẽ họ yêu bản thân mình hơn và ít bận tâm tới việc làm tròn trách nhiệm người cha.
Dĩ nhiên, ở đâu, thời nào cũng có những người cha tốt, thương yêu, chăm lo chu toàn cho con cái, làm chỗ dựa cho con trước những sóng gió cuộc đời. Nhưng bên cạnh đó cũng có những người cha thờ ơ, vô tâm đến lạ lùng. Có một ông giám đốc nọ, than thở với bác bảo vệ, vốn là bạn đồng hương của mình: "Tôi đã lo cho thằng quý tử không thiếu thứ gì mà nó vẫn chẳng nên người, lại còn hoạnh họe cha mẹ đủ thứ". Bác bảo vệ chỉ hỏi một câu: "Thế từ nhỏ đến giờ có khi nào ông tự tay tắm gội cho nó chưa". Ông giám đốc không trả lời, chỉ im lặng cúi đầu.
Tình thương của cha và mẹ đôi khi khác nhau ở cách biểu hiện. Cha thường kín đáo nghiêm khắc, mẹ lại tình cảm và dễ gần. Tuy nhiên, sự kín đáo và nghiêm khắc không đồng nghĩa với thói vô tâm hờ hững với con cái của một số người bố.
(Theo Thanh Niên)