Thứ hai, 8/3/2021, 11:14 (GMT+7)

Những người đầu tiên ở Hà Nội tiêm vaccine Covid-19

Hà Nội100 người đang làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là những người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại Hà Nội.

Khoảng 6h40 sáng 8/3, xe vaccine phòng Covid-19 có mặt tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu và tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Thùng vaccine sau đó được lấy từ xe chuyên dụng chuyển vào bên trong Khoa Khám bệnh theo yêu cầu và tiêm chủng vaccine. Sự kiện sáng nay thu hút rất đông sự quan tâm của giới truyền thông.

Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc và kê khai y tế theo đúng quy định.

Trong đợt tiêm đầu tiên này, 100 người làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương được lựa chọn, trong đó ưu tiên cho các cán bộ, nhân viên y tế là nữ. Cả đợt, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ tiêm cho 420 nhân viên y tế.

Vì nguồn vaccine hạn chế, còn phải phân bố nhiều tỉnh thành khác nên bệnh viện sẽ ưu tiên tiêm trước cho những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 và một số nhân viên y tế làm nhiệm vụ khám sàng lọc cho bệnh nhân tại cơ sở Giải Phóng.

Vaccine được sử dụng tiêm lần này do hãng dược AstraZeneca (Anh) sản xuất, Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) nhập khẩu. Trước đó, VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong năm 2021. Số vaccine do này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều.

Trước khi được lấy ra ngoài để tiêm, những lọ vaccine được bảo quản lạnh.

Sau khi tiêm xong, người tiêm sẽ ở lại viện để theo dõi 30 phút, sau đó một số nhân viên tiếp tục quay lại làm việc theo lịch. Mỗi người tiêm sẽ được tiêm 2 mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 21 ngày.

Theo nghiên cứu, sau khi tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch của người tiêm sẽ đạt khoảng 61-67%, sau mũi thứ 2 đạt khoảng hơn 80%.

Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Chuyên gia cao cấp của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, kiêm Chủ tịch Hội truyền nhiễm cho biết, bất cứ một thứ thuốc, vaccine hay sinh phẩm nào đưa vào cơ thể người đều dẫn đến những tác dụng phụ nhất định, nhiều nhất là đau chỗ tiêm, hoặc áp xe nơi tiêm, nặng nhất là sốc phản vệ.

“Các vaccine hiện nay chưa có dữ liệu nghiên cứu lâm sàng từ 0-18 tuổi nên chỉ định khuyến cáo tiêm cho người trên 18 tuổi. Thử nghiệm ở các nước cho thấy tiêm cho những người trên 60 tuổi vẫn có hiệu quả. Mong muốn của nhà sản xuất là tạo được miễn dịch cộng đồng nên càng nhiều người tiêm, thì hiệu quả càng cao”, bác sĩ Kính nói.

Phạm Chiểu

Đánh giá phiên bản mới