Hoàng Lan Anh
Bấy lâu nay, mẹ chỉ chờ đám cưới của tôi, thế rồi tất cả đổ vỡ, chỉ vì lý do mà tôi nghĩ là mẹ cho rằng rất vớ vẩn. Nhìn vào mắt mẹ, tôi biết, ngoài sự buồn rầu, có cả nuối tiếc và lo lắng. Mẹ lo lắng nếu tôi làm lại, chắc gì đã tìm được người như Hải. Người mẹ nào cũng thế, cũng muốn con cái được hạnh phúc. Mà tôi thì cứ vài năm lại thay người yêu một lần, không phải do mình muốn thì cũng là bị nhân tình nhân ngãi bỏ.
Em không muốn kết thúc tồi tệ.
- Kết thúc nào mà chẳng tồi tệ, nếu không thì đã không có kết thúc.
Cuối cùng thì mẹ cũng biết chuyện tôi và Hải chia tay nhau. Hải đã không thể trở thành người đàn ông mạnh mẽ như đã hứa với tôi. Đã đem chuyện tôi và Hải chia tay để nói với mẹ. Tôi buồn, nằm bẹp trong phòng, không muốn nói với bất kỳ ai một lời nào, về bất cứ chuyện gì. Dù thế nào thì mọi chuyện cũng đã chấm hết, đã không còn gì để cãi vã, để mỏi mệt. Bây giờ chỉ còn nỗi buồn, cứ đeo đẳng. Vậy mà khi nói với Hải lời chia tay, tôi đã nghĩ khác, đã hy vọng rồi mình sẽ được thanh thản chứ không phải suốt ngày tự dằn vặt không biết mình có sai lầm hay không?
Mẹ đẩy cửa vào phòng, khuôn mặt buồn như đưa đám. Ngồi xuống mép giường, mẹ vuốt những lọn tóc tôi rơi trên gối. Sao lại thế, hả Dung? Tôi im lặng. Mẹ biết Hải rất yêu con, không phải lúc nào cũng tìm được người đàn ông như nó. Im lặng. Tôi nhắm mắt. Tôi biết, mẹ rất quý Hải. Hải mồ côi mẹ từ năm hai tuổi, thiếu thốn tình cảm nên luôn coi mẹ như mẹ ruột của mình. Nhìn cách Hải nói chuyện với mẹ, đưa mẹ đi thăm họ hàng, quan tâm chu đáo tới từng người, không ai nghĩ tương lai đấy mới là con rể. Nhưng cũng chính vì thiếu thốn tình cảm mà Hải muốn tôi ngoài người yêu, còn phải là cả mẹ, cả chị. Cái này, đối với một cô gái bình thường đã khó, huống chi lại là một người quen được nuông chiều. Mẹ vuốt những lọn tóc tôi đang rơi, bảo Dung đã suy nghĩ thật kỹ chưa, hãy cho Hải một cơ hội, Dung nhé. Vẫn im lặng. Tôi để cho mẹ độc thoại. Vì thực ra, tôi hoàn toàn không biết trả lời mẹ thế nào. Hải yêu tôi. Chỉ có điều, tôi biết, mình sẽ không thể nào sống được với một tình yêu mà bất đồng đã thành bản chất. Mẹ thì không hiểu điều đó, mẹ là người lạc quan nên chỉ nhìn thấy mặt tốt của mọi người. Mẹ cũng không hiểu yêu một người đã khó. Từ chối một người còn khó hơn nhiều. Tôi đã dằn vặt rất lâu, đã từng khóc nhiều lần trước khi quyết định nói lời chia tay với Hải. Bởi mỗi khi nghĩ đến điều này, tôi lại nhớ Hải đã từng đối xử rất tốt với tôi, đã từng quỳ dưới sân nhà tôi đến tận một giờ sáng để xin một lần hàn gắn. Dung ơi, nghe mẹ... Tôi cảm thấy mũi mình nghẹt lại, sau đó là nằng nặng trên mi. Và cuối cùng thì nước đọng thành giọt, lăn trên má. Vẫn im lặng. Những ngày qua tôi đã cố gắng có một khuôn mặt bình thường mỗi khi về nhà. Nỗi buồn giấu kín sau những cuộc đi chơi cùng bè bạn. Tôi sợ mẹ biết chuyện tôi và Hải chia tay nhau, vì mẹ sẽ là người đầu tiên phản đối. Mẹ ôm lấy vai tôi, thân gái như hạt mưa sa. Tôi nghe giọng mẹ bắt đầu sụt sùi. Rồi những giọt nước mắt tràn trên gò má đã bắt đầu nhăn nheo, rơi xuống tay tôi ấm nóng.
Có lẽ mẹ thất vọng vì sự im lặng của tôi. Dù tôi có giải thích thế nào, đó cũng là một quyết định làm cho mẹ đau lòng. Bấy lâu nay, mẹ chỉ chờ đám cưới của tôi, thế rồi tất cả đổ vỡ, chỉ vì lý do mà tôi nghĩ là mẹ cho rằng rất vớ vẩn. Nhìn vào mắt mẹ, tôi biết, ngoài sự buồn rầu, có cả nuối tiếc và lo lắng. Mẹ lo lắng nếu tôi làm lại, chắc gì đã tìm được người như Hải. Người mẹ nào cũng thế, cũng muốn con cái được hạnh phúc. Mà tôi thì cứ vài năm lại thay người yêu một lần, không phải do mình muốn thì cũng là bị nhân tình nhân ngãi bỏ. Tử vi bảo số tôi đào hoa, nhưng đào hoa lại đóng ở cung mệnh nên chẳng hay ho gì. Từ ngày mới vào đại học, nhìn bàn tay chằng chịt của tôi, Hoài đã bảo rồi tôi sẽ yêu đương rất nhăng nhít. Tôi nhìn Hoài bằng con mắt khó chịu. Lúc ấy tôi đang yêu Hùng. Gần như ngoài Hùng ra, tôi chẳng hề biết đến bạn trai nào khác, trừ Hoài, vì Hoài là bạn thân từ ngày còn học trung học. Tôi đã yêu Hùng suốt sáu năm, thương thương nhớ nhớ kiểu học trò, thế rồi cuối cùng cũng chia tay nhau. Người ta bảo mối tình đầu khó có đầu cuối, nhưng mẹ vẫn nửa đùa nửa thật Hùng chịu được tôi từng ấy năm là may mắn lắm, vì tính khí như tôi chẳng ai dám gắn bó lâu dài. Tôi buồn mất một thời gian, nhiều lúc nghĩ đến Hùng tự nhiên bật khóc. Nhưng lúc ấy tôi còn trẻ lắm, mới có hai mươi ba tuổi, nên mẹ không lo lắng thái quá về tình trạng hôn nhân của tôi như bây giờ.
Sau Hùng, Phan đến với tôi. Phan với tôi cũng là bạn từ lâu, nhưng chưa bao giờ có tình ý. Hồi ấy, khi bị đám bạn ghép đôi, tôi đã nói Phan chỉ đáng xách dép cho tôi. Phan không giận, Phan bảo, sẽ xách dép cho em theo đúng nghĩa đen. Phan nghèo, đầy nghị lực, không thèm chấp những lời nói đầy thách thức của tôi lúc ấy. Tôi thích Phan cũng vì Phan nghị lực. Mỗi khi buồn, hay thất vọng vì công việc, tôi thường nói chuyện với Hoài. Hoài bảo, chẳng cần phải đi đâu xa, hãy nhìn vào Phan mà học tập. Hoài nói thế, bởi lúc ấy Hoài không bao giờ rằng nghĩ tôi sẽ yêu Phan.
Tôi chẳng biết làm gì để giết thời gian cho đỡ buồn, để tránh ánh mắt da diết đầy trách móc của mẹ, cả những cú điện thoại vớt vát của Hải. Hoài đã đi công tác, còn Phan thì không phải là người để tôi nói những chuyện yêu đương. Phan với tôi là một ngoại lệ của những mối tình sau khi chia tay. Có lẽ bởi chúng tôi có quá ít thời gian để thành một đôi nên dễ dàng hơn khi trở thành bạn. Tôi có thể nói với Phan về mọi thứ, trừ tình yêu. Bởi những điều ấy, Phan chẳng bao giờ muốn nghe, tôi cũng chưa thấy ai muốn nghe người yêu cũ kể chuyện tình yêu mới của mình. Mấy năm rồi sau khi chia tay nhau, Phan và tôi vẫn gọi điện rủ nhau đi uống nước. Giữa chúng tôi không có cái khoảng cách hay sự ngượng nghịu khi gặp lại nhau của những người yêu cũ. Ngày quyết định chia tay nhau, tôi và Phan đã đi Phủ Tây Hồ, hứa kết nghĩa làm anh em.
Hoài đã từng hỏi, tại sao tôi và Phan có thể trở thành bạn mà không thể níu giữ tình yêu? Tôi không biết tại sao lại thế, không biết phải trả lời thế nào, cũng như không hiểu tại sao mình lại yêu Phan. Tôi biết, Phan thích tôi, bằng những cái nhìn đắm đuối dài sau đuôi mắt. Nhưng thay vì đón đưa tôi như những người khác, Phan để tôi hoay hoay giữa một đám đông những người thích mình. Tôi giận thái độ ngạo mạn của Phan, cả thói quen bất cần đối với người khác. Tôi đã quen cuộc sống được chiều chuộng, quen với ý nghĩ không ai làm trái ý mình. Sau này, Phan bảo, anh quyết yêu em vì không tin là mình không chinh phục được một cô gái bướng bỉnh. Còn tôi, không hiểu mình đã yêu Phan vì lẽ gì. Khi là bạn, tôi phục Phan vì nghị lực. Nhưng khi yêu, đó không phải là một lý do. Phan cười, cốc nhẹ vào đầu tôi, hai đứa ngồi trong một quán cà phê đầy hoa vàng, nghe Tuấn Ngọc hát da diết “đừng bao giờ em hỏi, vì sao ta yêu nhau, vì sao môi anh lạnh, vì sao tay anh run, vì sao chân không vững, vì sao và vì sao...”.
Thế mà cuối cùng câu chuyện tình yêu ấy cũng chẳng đi đến đâu. Tôi không lý giải được tại sao lại thế. Tôi không chắc chắn được tại sao mình luôn luôn có cảm giác không níu giữ được nhau, tại sao chúng tôi lại chia tay, khi Phan vẫn còn yêu tôi đến vậy. Sau này, tôi đã mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ, và hiểu ra rằng, cả hai đều không chịu được cái tôi quá lớn của nhau. Phan không muốn làm theo ý muốn của tôi, còn tôi thì luôn chứng minh cho mọi người thấy anh chẳng là gì, dù thật sự, Phan luôn là một phần đầy thân thiết. Khi làm bạn, chúng tôi hiểu nhau, nhưng khi yêu, cái ý muốn sở hữu người khác đã khiến cả hai thành những con lừa ngốc nghếch. “Em đã ngồi suốt một buổi chiều. Tự hỏi chúng ta đang làm gì? Chúng ta đang điên rồ hay đúng đắn? Rồi những ngày sắp tới sẽ ra sao? Những ngày có nhau bao giờ chấm dứt?”. Tôi đã từng viết như thế, khi ngồi cùng Hoài trong quán Bằng Lăng cuối một buổi chiều. Hoài hỏi, chuyện với Phan rồi sẽ ra sao? Tôi chẳng biết phải trả lời thế nào. Tôi đau khổ vì Phan không quan tâm, không làm theo ý mình. Và tôi cũng làm cho Phan đau khổ bằng cách đi với Hoài đến những cuộc tiệc tùng đàn đúm. Một đêm, rất muộn, Phan gọi điện, hỏi em vừa đi đâu về? Tôi bất cần “đi với Hoài ngồi quán cà phê”. Giọng Phan như người hụt hơi. Em thừa biết anh yêu em thế nào mà em lại hành hạ anh thế. Rồi bên kia đầu dây là sự im lặng. Tôi giận, khóc. Anh còn quan tâm đến em sao? Giọng Phan nghẹn lại. Bao giờ cũng quan tâm đến em...
Sự cứng rắn của Phan làm tôi như đi trong hỏa mù, không thể biết được điều gì chính xác. Đúng lúc ấy thì Hải tới. Hải là người không tạo ấn tượng cho tôi, nhưng Hải tốt. Tôi ốm, Hải bỏ việc từ cơ quan mang thuốc về cho tôi, sau đó lại lộn gần 10 km về cơ quan làm việc. Nhưng Phan thì không vậy. Tôi buồn, lại so sánh, lại nghĩ đến chuyện chia tay với Phan. Rất nhiều lần, Hoài hỏi, liệu Dung có dứt khoát được không? Trái tim tôi bảo không, nhưng cái miệng thì nói có. Hoài lắc đầu. Rồi sau đó sẽ ra sao, Dung sẽ đến với Hải chứ? Tôi bâng quơ, cũng không biết nữa. Lúc đó tôi không biết thật, vì tôi không yêu Hải, thích cũng chưa hẳn là thích. Hải với tôi lúc ấy chỉ là một người bạn tận tâm. Nhưng sự tận tâm đến vào khi người ta đang thất vọng dễ nảy sinh sự so sánh. Khi tôi nói lời chia tay, Phan im lặng rất lâu, rồi gật đầu đồng ý. Nhưng Phan bảo, em đừng vội yêu ai, đừng vì anh mà làm điều gì thiếu suy nghĩ. Thái độ dễ dàng thỏa hiệp của Phan làm tôi phát điên. Tôi ghét sự ngạo mạn trong tình yêu của Phan. Hoài mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt méo mó của tôi, lại gào lên, nếu không muốn bị coi là thất bại thì phải cứng rắn. Tôi khóc, tôi là người chứ có phải gỗ đá đâu mà vô tình. Hoài giận, thì ai bảo yêu đương nhăng nhít lắm vào, bây giờ mới thấy đau.
Tôi cũng không biết tại sao mình lại gọi điện cho Phan. Tôi buồn, thèm có ai để nói chuyện. Phan hẹn, chờ anh năm giờ ở quán Bằng Lăng. Cái quán này, khi yêu, tôi và Phan chưa từng ngồi, nhưng sau khi trở thành bạn thì là một điểm hẹn. Có lần, ngồi trên cửa sổ tầng hai ngó xuống đường, tôi bảo với Phan em đã từng làm thơ tặng anh ở đây. Phan đùa, không có anh thì làm sao em trở thành thi sĩ. Rồi nheo mắt cười.
Phan kéo ghế, hỏi em dạo này thế nào? Tôi làu bàu, chẳng thế nào hết, vẫn xinh. Sao lại cau có với anh, có chuyện gì, nói ra xem nào? Giọng Phan vẫn nhẹ nhàng. Đã bảo không có gì mà, chỉ tự nhiên muốn có người nói chuyện. Tôi cười, nhưng chẳng thể tự tin nụ cười của mình không méo mó. Phan nheo mắt, lại bực mình vì chuyện gì phải không? Lần này thì tôi gật đầu. Phan khuấy ly nước cho tôi, có gì thì nói đi, anh nghe.
Tôi ngồi im lặng, rất lâu, chẳng biết nói cái gì. Lúc ở nhà thì thèm nói lắm, nhưng ngồi trước mặt Phan thì chẳng biết nói cái gì, không biết bắt đầu từ đâu. Phan vẫn nhẹ nhàng, nhà có chuyện gì à? Im lặng. Hay có chuyện gì trong công việc? Tôi lắc đầu. Thế thì giận nhau với Hải? Không phải giận nhau. Tôi kêu lên, suýt nữa thì buột miệng bảo đã thôi hẳn rồi, nhưng kìm lại được. Nói với Phan giờ này thì hẳn có ích gì, chắc gì Phan đã hiểu. Thú thực, đến chính tôi cũng không hiểu lúc này mình muốn gì, thèm nói hay thèm nghe? Vậy thì sao? Chẳng sao cả, tôi nhấm nhẳng. Phan cười, ánh mắt như chế giễu, đồ trẻ con.
Phan đưa tôi về trên con đường đầy lá sấu khô. Vẫn im lặng. Buồn kinh khủng, khi nghĩ rằng người bên cạnh đã chẳng còn hiểu nổi mình. Tôi khóc, nước mắt tràn trên má, tự nhiên thấy nhớ lời Hoài kinh khủng. Hoài đã bảo, nếu không muốn thất bại thì cố mà phải cứng rắn. Tôi đưa tay lau nước mắt, tự nghĩ bây giờ thì mình có thể, nhưng tương lai, chẳng thể biết có cứng rắn nổi không?
“Yêu một người đã khó. Từ chối một người còn khó hơn nhiều”. Nhân vật Dung trong truyện đã nghĩ như vậy, nhưng cô vẫn chia tay người yêu vì “không thể nào sống được với một tình yêu mà bất đồng đã thành bản chất”. Điều kỳ lạ trong tình yêu là khi hai người xóa “cái tôi” đi, tình yêu biến mất. Nhưng khi hai người để “cái tôi” quá lớn, tình yêu cũng bay đi. Vậy hãy nâng niu những ngày có nhau và hãy sống như nhà thơ Tản Đà đã viết: “Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai”. Nhà báo - nhà văn Hoàng Lan Anh cũng đã biết dung hòa giữa “hai nhà” trong sáng tác của mình. Đoàn Thạch Biền |
(Theo Người Lao Động)