![]() |
Bà Triệu Thị Táy (phải) đau khổ khi nghe tin con gái suýt bị bán. |
Sau khi làm việc với đồn Biên phòng Tân Thanh, chiều 1/8, tìm đến gia đình bà Triệu Thị Táy ở bản Nà Phiêng (xã Hoàng Văn Thụ, Văn Lãng, Lạng Sơn).
Khi biết tin có người đến tìm hiểu về Nông Thị Thùy, con gái bà vừa bị kẻ xấu lừa bán sang bên kia biên giới, bà Táy oà lên khóc nức nở: “Khổ thân con tôi quá, nó mới 17 tuổi mà chịu bao tai ương. Sao kẻ xấu lại nhằm vào gia đình nghèo khó như chúng tôi để hãm hại?”.
Hôm 20/7, Thùy sang chợ Lũng Vài bên Trung Quốc (TQ) vác hàng thuê. Hai hôm sau, cô đang ngồi ở chợ Lũng Vài thì có một phụ nữ người Việt đến tự giới thiệu tên là Chu Thị Phương, lấy chồng là người TQ.
Hiện gia đình Phương cần người giúp việc, sẽ trả công cao. Thuỳ đồng ý và Phương giao cho hai thanh niên người bản địa dẫn đến nhà Phương ở Pò Chài. Khi ô tô khách chạy qua địa phận thị trấn Bằng Tường (thuộc tỉnh Quảng Tây, TQ) Nông Thị Thuỳ mới biết mình bị mắc lừa bọn buôn người.
Xe đến chốt kiểm soát của công an Bằng Tường, Thuỳ vụt chạy xuống đường kêu cứu. Công an sở tại giải cứu Thuỳ, đồng thời tóm gọn hai tên “ma cô”.
Vài ngày sau, công an TQ bắt được “má mì” Chu Thị Phương (27 tuổi). Ngày 31/7, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Cục công an Bằng Tường đã tổ chức bàn giao người bị hại lẫn kẻ buôn người cho công an huyện Văn Lãng.
Nhạc Kỳ là xã vùng III của huyện Văn Lãng, đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn. Chính vì đói nghèo nên trong xã có 19 người tại hai thôn Nà Éc và Cỏn Luông bỏ nhà đi làm thuê.
Anh Nông Văn Tuân ở thôn Nà Éc vượt qua đường mòn khu vực xã Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) sang địa phận Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) đến nhà một người tên là Ký Lùng để làm công nhân khai thác và vận chuyển gỗ. Ký Lùng hứa trả công 2 triệu đồng/tháng.
Hàng ngày ông Tuân quần quật từ sáng đến tối mịt, công việc chính là róc vỏ cây gỗ to bằng thân người lớn rồi vận chuyển gỗ từ rừng ra tới đường chính, bốc lên xe ô tô. Đồng cảnh với ông Tuân có ông Hoàng Văn Thành cũng vượt biên sang TQ làm thuê trong những cánh rừng.
Những Lão pản (ông chủ) bên TQ chỉ cho ứng trước một ít tiền gọi là sinh hoạt phí. Ông Thành, ông Tuân sau hơn một tháng mới được trả khoảng 200 nghìn đồng VN, còn lại bao giờ khai thác xong gỗ, chủ mới thanh toán tiền công. Thế là những cửu vạn như ông Tuân, Thành cứ hàng ngày chui lủi trong những cánh rừng.
Ngày qua ngày, họ chẳng thấy chủ thanh toán tiền công, nhiều người sợ sẽ chết kiệt trong thâm sâu cùng cốc nơi đất khách quê người nên đành “bỏ của chạy lấy người”, trốn về nước.
Tuy thế, hiện vẫn còn hàng chục người dân ở 3 xã Tân Mỹ, Hoàng Văn Thụ, Nhạc Kỳ do tiếc công lao động vất vả nhiều tháng trời, đành cắn răng chịu đựng lao động ở bên kia biên giới mà chưa biết ngày nào sẽ trở về.
Ông Lô Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Nhạc Kỳ cho biết: "Do điều kiện xã miền núi khó khăn, đồng bào chủ yếu làm nông nghiệp không đủ ăn. Đã vậy lại thiếu hiểu biết nên ngày càng có nhiều người xuất cảnh trái phép qua biên giới làm thuê kiếm tiền".
Ở xã Hoàng Văn Thụ cũng vậy, toàn xã có 605 hộ dân thì có tới 231 hộ thuộc diện nghèo, đói. Theo thống kê chưa đầy đủ ở xã Hoàng Văn Thụ hiện có gần 20 người đang sống bằng nghề vác hàng thuê ở biên giới.
(Theo Tiền Phong)