Được nhắc đến nhiều nhất vẫn vàng. Tính chung cả năm, giá vàng tăng khoảng 27%, gấp đôi mức tăng năm ngoái và trở thành kênh đầu tư sinh lời nhất hiện nay. Gần nửa thế kỷ trôi qua người dân mới nhắc đến vàng như một món tiết kiệm, cất trữ chính thức. Trong khi đó, các công ty kinh doanh vàng lãi to và và lãi “liền tay”, nhất là khi đồng USD đã không lên giá như dự kiến khi tính chung cả năm, VND chỉ mất giá 1% so với USD. Đến hết năm, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố doanh thu cả năm dự kiến đạt 1 tỷ USD, bằng 296% năm ngoái và vượt 24% so với kế hoạch ban đầu, đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Trong khi “quả bong bóng” về thị trường nhà đất chưa thực sự bị chọc thủng, giá đất suốt 1 năm vẫn ở thế “giằng co” bất chấp sự ảm đạm của các giao dịch thì dường như thị trường chứng khoán lại đang tạo ra một “quả bong bóng” còn lớn hơn. Chơi chứng khoán năm nay có người có thể lãi tới 40-50 lần. Cổ phiếu của các Công ty chứng khoán, viễn thông và ngân hàng đang là ưu tiên số 1 của các nhà đầu tư. Nhưng con số phi mã đến mức này làm bất cứ ai cũng phải đặt câu hỏi liệu lợi nhuận, quy mô cũng như tiềm năng của các công ty niêm yết này liệu có được đến như vậy? Nhìn lại, không ít chuyên gia lớn tiếng cảnh báo về hiệu ứng “bầy đàn” sẽ có thể đem lại một hậu quả khốc liệt.
Sự sôi động trên thị trường với dòng chảy đầu tư từ nước ngoài “ăn theo” WTO là điều đoán trước được. Tuy nhiên việc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cái gì là một câu chuyện khác. Hiện việc CPH của VN mới được 12%. Trong khi đó thì Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần của các công ty được CPH này. Như vậy về bản chất thị trường mới có tỷ lệ CPH là 6%. Do đó, các nhà đầu tư lớn phải thâm nhập vào thị trường VN bằng con đường phát hành trái phiếu hoặc theo cách nào đó và đừng nghĩ rằng các nhà đầu tư lớn họ chú trọng đầu tư vào các sàn niêm yết.
Tính đến 19/12/2006, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 21%, mà theo các chuyên gia thì “không có tiền lệ ở trên thế giới”. Thực tế thì sao? Xét về trị giá khối lượng cổ phiếu giao dịch, thị trường chứng khoán Việt Nam mới đạt chưa đầy 7 triệu USD/ngày, thấp xa so với mức vài trăm triệu USD/ngày của Malaysia, Thái lan... Mặc dù khối lượng vốn hóa ước tính đã đạt gần 9 tỷ USD từ nay đến cuối năm nhưng nó mới chỉ tương đương với gần 10% GDP - tỷ lệ quá nhỏ so với mức 20-30% GDP của các nước trong khu vực như ở Thái lan hơn 135 tỷ USD; Malaysia hơn 500 tỷ USD... Nhìn chung, ngoại trừ khoảng 10 công ty lớn, lĩnh vực kinh doanh tương đối ổn định, có mức tăng trưởng đều qua các năm, còn lại phần lớn các công ty niêm yết vẫn chưa phải là những công ty mạnh của nền kinh tế và chưa đại diện tiêu biểu cho các ngành kinh tế đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP của Việt Nam.
Câu chuyện về mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu năm vừa qua không có những “đợt sốt”, nhưng chính những hàng hóa này tạo ra những đợt sóng ngầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống người dân. Với việc Nhà nước dần tháo dỡ việc khống chế giá trần, các mặt hàng thiết yếu như xi măng, sắt thép, phân bón đã từng bước kinh doanh theo giá thị trường, giá xăng dầu không bù lỗ mà tạo biên độ giá tăng thêm 10% đã vô tình tăng thêm vai trò ảnh hưởng của những mặt hàng này lên mặt bằng thị trường chung. Sau một quá trình tăng liên tục theo giá thế giới, trong các tháng 2, tháng 4 và tháng 10, dù xu thế giá đã đi ngược lại, nhưng các đầu mối nhập khẩu vẫn tỏ ra kiên quyết trong việc điều chỉnh giá. Hệ quả là thị trường luôn có biểu đồ đi lên bất chấp xu thế của mặt bằng giá cả thế giới.
Ở đây, cần phải hiểu thị trường VN có những yếu tố đặc thù của nó. Đó là chất thị trường vẫn chưa đủ mạnh để lấn át tính tự cân đối trong phạm vi hẹp; thị trường chưa nhất quán, còn nhiều khu vực, nhiều phân đoạn (như thị trường miền Bắc, Trung, Nam hay thành thị, nông thôn, miền núi...); thiếu tính dự báo, phản ứng chậm, dễ bị tổn thương. Ví dụ rõ nhất cho tính phản ứng chậm là bao giờ cũng đi sau sự tăng-giảm giá của thị trường thế giới. Điều này cũng có cái lợi là giúp cho thị trường nước ta không bị tức thời cuốn theo cơn lốc giá cả thế giới và có thời gian để điều chỉnh, nhưng đồng thời cũng rất dễ bị "hớ" trong kí kết hợp đồng mua bán. Còn ví dụ cho tính dễ bị tổn thương của thị trường nội địa, là sự phản ứng "im lặng đáng sợ" với một số ngành hàng từ trước đến nay, như đường, xi măng, sắt thép và hiện tại là ô tô lắp ráp trong nước. Và hệ quả là hàng ngoài nước (trong đó có không ít hàng nhập lậu) có cơ hội tràn vào. Đây là bài học đắt giá cho những doanh nghiệp trong nước theo đuổi cách sản xuất - kinh doanh theo kiểu "tát cạn, bắt sạch". Đây thực chất là một kiểu tàn phá thị trường nội địa - một thị trường còn non trẻ, của một nền kinh tế non trẻ, với sức mua của hơn 80 triệu dân.
Trên một số thị trường thiết yếu khác, đây đó tiếp tục bắt gặp những tình huống “việt vị”. Ngày càng có kinh nghiệm hơn trong việc tham gia giao thương quốc tế, nhưng các nhà hoạch định, dự báo, các đầu mối xuất khẩu vẫn tiếp tục gặt hái những bài học đau đớn: Đầu năm, giá cá tra, cá ba sa thừa mứa, DN hờ hững, người dân lấp ao nuôi tôm. Nửa cuối năm, mặt hàng này tiêu thụ chóng mặt, giá cao ngất ngưởng khiến chủ vựa, DN chạy hết công suất cũng không đủ nguyên liệu chế biến để cung cấp. Được vài tháng, người ta lại phải cảnh báo về hiện tượng nhà nhà, ngành ngành “làm” cá da trơn và sự thừa mứa sẽ sớm quay lại. Tương tự, câu chuyện về mặt hàng lúa gạo cũng vậy. Giữa năm, cho rằng “được giá”, các DN bán tống tháo và hể hả nghĩ rằng năm nay chắc thắng cả về kế hoạch lẫn doanh thu. Đến giữa Quý III, giá gạo vọt lên chưa từng thấy cả thế giới và trong nước. Lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo từ Chính phủ rõ ràng là bất đắc dĩ. Chưa bao giờ, vựa lúa lớn nhất VN - ĐBSCL phải ổn định giá nhờ... lúa Campuchia. Câu chuyện cũng xảy ra không khác mấy ở cà phê, mía đường, cao su. Và trong cơn lốc giá của 2006, rõ ràng người dân, người lao động dù được tăng lương, nhưng không thể gọi là tăng thu nhập.
Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng được ghi nhận, so với năm ngoái, năm nay “Câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD” lại có thêm hai thành viên mới, là cao su và cà phê. Nhờ sự tăng giá đột biến (khoảng 40% so với năm trước), cao su đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,3 tỷ USD, tăng 64% so với năm 2005. Như vậy, kết thúc năm 2006, "câu lạc bộ 1 tỷ USD" đã có 9 thành viên, gồm thủy sản, cao su, gạo, dầu thô, dệt may, giày dép, hàng điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, cà phê.
(Theo Doanh Nghiệp và Thương Hiệu)