Khủng bố
Sự xuất hiện của một số hành khách mang hộ chiếu bị đánh cắp lên máy bay là trường hợp hiếm xảy ra và có thể là manh mối của một vụ khủng bố. Tuy nhiên hiện nay, các bằng chứng về giả thiết khủng bố vẫn chưa được tìm ra. Việc phát hiện hai hành khách sử dụng giấy tờ giả cũng có thể được giải thích bằng các giả thiết khác bởi lâu nay, một số người nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu cũng thường sử dụng giấy tờ giả.
Một quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ trả lời Los Angeles Times cho biết: “Việc phát hiện có người sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp không có nghĩa các hành khách đó là đối tượng khủng bố. Họ có thể đã đánh cắp hộ chiếu hoặc đơn giản là mua hộ chiếu ở chợ đen".
Trả lời Bloomberg News, Kip Hawley, một cựu quan chức của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, cho biết vụ việc xảy ra với chiếc máy bay này giống như nhiều âm mưu khủng bố khác. Ông Hawley đặc biệt quan tâm đến khả năng bom đã được giấu trong giày của nhiều hành khách và lượng bom này đủ mạnh để có thể làm rơi máy bay. Năm 2006, giới chức Anh và Mỹ từng phát hiện âm mưu dùng thuốc nổ dạng lỏng để làm rơi máy bay trên khu vực Đại Tây Dương của một nhóm khủng bố.
Theo báo cáo năm 2012 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Malaysia là quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khủng bố và được xem là một điểm chuyển tiếp cũng như trung tâm của hoạt động khủng bố. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết quốc gia này đã không chứng kiến một vụ khủng bố nghiêm trọng nào trong nhiều năm.
John Goglia, cựu thành viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, cơ quan phụ trách điều tra các vụ tai nạn máy bay, cho rằng việc không nhận được một cuộc gọi khẩn cấp nào từ phi công trên chuyến bay chứng tỏ chiếc máy bay MH370 bị giảm áp suất nghiêm trọng hoặc bị phá hủy bởi một thiết bị gây nổ.
Khả năng máy bay bị bắt cóc cũng được đưa ra. Tuy nhiên một số chuyên gia bác bỏ nhận định này. Một số khác cho rằng một vụ bắt cóc như 11/9 hoàn toàn có thể xảy ra và những kẻ khủng bố đã buộc máy bay lao xuống biển.
Nổ trên không
Chuyến bay MH370 của MAS gặp nạn khi đang bay ở giai đoạn an toàn nhất của hành trình và có thể đang ở chế độ bay tự động. Do đó, theo một số phi công và chuyên gia về hàng không, khả năng máy bay bị nổ trên không cần được xem xét.
Một cựu phi công giấu tên của MAS cho rằng đây chiếc máy bay có thể gặp nạn do một vụ nổ, bị sét đánh hoặc giảm áp suất nghiêm trọng. "Nếu như đây là một vụ nổ, thì không còn cơ hội nào với chiếc máy bay này. Mọi thứ đã kết thúc".
Cũng có giả thiết cho rằng áp lực mất đột ngột và cực mạnh trong cabin đã gây nổ và khiến máy bay vỡ thành nhiều mảnh. Nguyên nhân có thể do kim loại trong thân máy bay bị ăn mòn hoặc mất tính chịu lực.
Động cơ hỏng
Theo thông tin mới ghi nhận, chiếc máy bay MH370 có thể đã quay đầu trở lại trong thời khắc cuối cùng trước khi mất liên lạc với hệ thống radar. Điều này làm dấy lên những dự đoán cho rằng máy bay có thể đã quay lại do hỏng động cơ. Việc quay trở lại đồng nghĩa với việc chiếc máy bay đó phải trở về sân bay xuất phát do gặp sự cố hoặc nghi ngờ sự cố xảy ra với hệ thống máy móc trên máy bay. Tuy nhiên, lúc đó phi công sẽ phải phát đi tín hiệu hoặc có cuộc gọi khẩn cấp.
Ahmad Jauhari Yahya, Giám đốc điều hành MAS, cho biết các máy bay Boeing 777 đều được lắp hệ thống chuông báo động. “Một khi máy bay phải bay trở lại, phi công sẽ không thể đảo ngược quá trình đã định trước".
Một số chuyên gia đưa ra khả năng hai động cơ của máy bay đều không hoạt động khi gặp nạn. Trong trường hợp này, máy bay sẽ rơi trong khoảng 20 phút và phi công có đủ thời gian để thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp.
Tháng 1/2008, chiếc máy bay 777 của British Airways đã rơi từ độ cao 300 m trên đường băng sân bay Heathrow, London. Khi máy bay tiếp đất, các động cơ đều đã mất lực đẩy do hệ thống nhiên liệu bị đóng băng; Chiếc máy bay A320 của hãng hàng không Mỹ hỏng cả hai động cơ sau khi cất cánh từ sân bay LaGuardia, New York vào tháng 1/2009. Tuy nhiên, phi cơ trưởng vẫn giữ liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu trước khi hạ cánh; Chiếc máy bay mất tích từng bị gãy đầu cánh khi va chạm với một máy bay khác vào năm 2012 tuy nhiên Boeing 777 đã được sửa chữa sau đó.
Máy bay mất lực nâng đột ngột
Một số chuyên gia đã chỉ ra các điểm giống nhau giữa vụ mất tích bí ẩn của máy bay MH370 với sự cố rơi máy bay 447 của Air France ở Đại Tây Dương năm 2009 khi 228 hành khách cùng phi hành đoàn đã thiệt mạng trong hành trình từ Rio de Janeiro đến Paris. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ảnh hưởng của mưa bão và sấm sét. Tuy nhiên sau đó, các nhà điều tra đã phát hiện hệ thống cảm biến tốc độ được lắp đặt bên ngoài chiếc máy bay đã bị đóng băng và khiến hệ thống lái tự động tách rời.
Dựa trên các dữ liệu tìm thấy hai năm sau đó, các nhà chức trách kết luận rằng sơ suất của phi công khi xử lý tình huống sau khi hệ thống lái tự động gặp vấn đề khiến máy bay bị mất lực nâng đột ngột và không thể phục hồi được.
Hiện tượng mất lực nâng đột ngột khiến máy bay rơi vào trạng thái chòng chành xảy ra khi một chiếc máy bay ngừng bay và bắt đầu rơi. Theo dữ liệu điều tra, những phi công chưa được huấn luyện bay ở độ cao lớn sẽ nâng mũi máy bay liên tục trong khi lẽ ra họ cần làm ngược lại. Điều này khiến máy bay giảm tốc độ và rơi vào trạng thái mất lực nâng.
Sơ suất của phi công
Một số chuyên gia cho rằng việc phi công mất phương hướng trong lúc điều khiển máy bay có thể là một nguyên nhân. Trong trường hợp này, phi công có thể đã chuyển máy bay sang chế độ lái tự động và ngưng quá trình này mà không nhận ra cho đến khi quá muộn. Tuy nhiên khả năng này được cho là không thể xảy ra vì lúc đó radar có thể đã phát hiện ra máy bay.
Trong lịch sử của ngành hàng không, một số trường hợp hiếm hoi từng ghi nhận phi công cố tình tự sát khiến máy bay gặp nạn. Năm 1999, một chiếc máy bay của hãng hàng không Ấn Độ cất cánh từ New York (Mỹ) và có lịch trình tới Cairo (Ai Cập) đã lao xuống khu vực Đại Tây Dương ở phía nam bang Massachusetts (Mỹ), làm 217 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ sau đó kết luận rằng vụ tai nạn xảy ra do phi công Gamil el-Batouty cố tình đâm máy bay để trả thù. Trước đó, người này bị khiển trách do có hành vi không đứng đắn và không được phép tham gia các đường bay đến Mỹ.
'Tôi nghiêng về khả năng máy bay bị khủng bố và cho nổ' Ông Nguyễn Thành Trung, nguyên phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines, nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200 và chở các nguyên thủ quốc gia, cho rằng nếu máy bay không hạ cánh ở đâu đó thì chắc chắn đã rơi vì nó không thể đủ dầu để bay đến ngày hôm nay được. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn máy bay thì có nhiều, nhưng riêng đối với trường hợp này thì có nhiều điều rất lạ. "Là một người trong nghề tôi hết sức ngạc nhiên. Vì dù có xảy ra sự cố kỹ thuật gì đi nữa thì phi công vẫn có thời gian để liên lạc với đài không lưu để yêu cầu trợ giúp. Nhưng ở đây thậm chí là tổ bay không nói được một lời nào", vị đại tá không quân nhận định. Vì vậy, chỉ có 2 nguyên nhân dẫn đến việc mất tích máy bay. Theo đó, một là có thể do không tặc khống chế tổ bay. Tuy nhiên, đối với máy bay hiện nay thì việc xâm nhập vào buồng lái là không thể được bởi vì sau sự kiện 11/9 thì tất cả cửa buồng lái đều được gia cố và khóa hết bên ngoài. "Tôi nghiêng về khả năng thứ hai là máy bay đã bị khủng bố và cho nổ. Chỉ có trong trường hợp này, bất thình lình bị nổ thì không ai đỡ được và phi công cũng không kịp phát tín hiệu liên lạc gì được. Lại thêm mấy hộ chiếu giả để lên máy bay đã được các cơ quan chức năng phát hiện nữa thì tôi nghiêng về khả năng khủng bố và cho nổ nhiều hơn là máy bay bị cướp". |
Tùng Dương