Các chuyên gia hàng không lâu năm của Mỹ nhận định việc chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị mất tích rất bất thường bởi nó có thiết kế ưu việt và đang hoạt động trong điều kiện tốt nhất. "Viễn cảnh có vẻ không được khả quan", phi công đã nghỉ hưu của hãng hàng không Mỹ American Airlines, Jim Tilmon nói trên CNN. Ông nhấn mạnh rằng đường bay của phi cơ mang số hiệu MH370 rất thuận lợi khi có nhiều đoạn qua đất liền nên việc liên lạc thông qua ăng-ten, radar và sóng vô tuyến rất dễ dàng. Tôi đã cố gắng vẽ ra mọi kịch bản để có thể giải thích cho vụ việc này nhưng đã không thành công", ông nói.
"Việc thiếu thông tin liên lạc khiến tôi nghi ngờ rằng có một điều gì đó đáng tiếc nhất đã xảy ra", ông Mary Schaivo, cựu tổng thanh tra của Bộ Vận tải Mỹ, cũng đồng quan điểm. "Nhưng tất nhiên, điều đó không có nghĩa là không cần cứu hộ. Việc tìm máy bay và cứu hộ là rất cấp bách".
Có điều gì đó đột ngột xảy ra
Phi công kỳ cựu Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200 và chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia, cho Tuổi Trẻ biết ông đã lái máy bay qua lại khu vực này rất nhiều lần, “thời tiết khu vực này bình thường, đặc biệt trong mùa này thường rất tốt, không ảnh hưởng đến việc bay”.
Ngoài ra, dòng máy bay Boeing 777 có hệ số an toàn cao so với các dòng máy bay khác nên tai nạn xảy ra là “rất khó hiểu, có điều gì đó rất đột ngột đến nỗi phi công không kịp thông báo bất cứ điều gì cho kiểm soát không lưu”. Thông thường nếu có sự cố về kỹ thuật, phi công sẽ báo cáo cho kiểm soát không lưu và họ hoàn toàn có đủ thời gian và phương tiện kỹ thuật để xử lý.
Ở tọa độ và khoảng thời gian bay chưa ra khỏi không phận Malaysia như trường hợp này, phi công hoàn toàn có thể cho máy bay quay về Kuala Lumpur (Malaysia). Phương án khác là hạ cánh xuống điểm dự bị gần nhất, có thể là xuống sân bay Phú Quốc hoặc sân bay Cần Thơ, hai sân bay hoàn toàn có đủ cơ sở hạ tầng để đón máy bay lớn như Boeing 777. Máy bay cũng có thể đi thêm đến sân bay Tân Sơn Nhất và hạ cánh an toàn. Trong trường hợp bị hỏng một động cơ, máy bay vẫn có thể bay thêm vài tiếng đồng hồ nữa mà không có vấn đề gì.
Ngoài ra, khi đang ở độ cao trên 10 km, phi công hoàn toàn có thời gian để thông tin cho mặt đất bằng các hệ thống liên lạc thông thường để chuẩn bị phương án ứng cứu.
Có sự tác động của yếu tố con người
Hiện nay, mọi máy bay đều được lắp thiết bị này, bên cạnh hộp đen. Đây là thiết bị sẽ phát tín hiệu thông báo vị trí của tàu bay khi xảy ra sự cố, và được thiết kế để chịu được va đập mạnh. Tuy nhiên, một quan chức Cục Hàng không cho biết trạm vệ tinh mặt đất đặt tại không nhận được bất cứ tín hiệu gì từ thiết bị ELT.
Ông Đinh Đức Tuấn, Phó trưởng Ban An toàn chất lượng an ninh (Cục Hàng không), nhận định, tại thời điểm máy bay gặp sự cố không có hiện tượng thời tiết đặc biệt. Do vậy có hai yếu tố kỹ thuật và tác động con người.
Là cơ trưởng chuyên lái máy bay Boeing 777, ông Tuấn cho biết khi máy bay hở buồng kín, trong vòng 5 phút có thể hạ xuống 10.000 ft so với mặt nước biển. Do vậy, phi công có 4 phút liên lạc với trung tâm. Hoặc khả năng chết cả 2 động cơ thì máy bay này vẫn có thể lướt trong 200 dặm mỗi giờ, tổ lái vẫn có thời gian tuyên bố tình trạng hiểm nguy.
Một số máy bay có thể bị kẹt thiết bị, song với Boeing 777, hệ thống lái độc lập nên trường hợp này khó có thể xảy ra. Ngay cả khi có khả năng cháy, khói trong buồng lái, thì tổ lái cũng có thời gian liên lạc.
Theo ông Tuấn, ngay một lúc mất liên lạc và mất tín hiệu tại Radar là rất khó xảy ra với loại máy bay này. Chỉ trong trường hợp tổ lái cố tình làm mất liên lạc hoặc có tác động của người ngoài, còn nếu máy bay hạ thấp xuống Radar vẫn phát hiện được. "Yếu tố con người như đánh bom, khủng bố, phi công tự sát được đặt ra nhiều hơn", ông Tuấn nhận định.
Thời gian cất cánh và mất liên lạc
Nhiều nguồn tin cho biết máy bay cất cánh lúc 0h21 sáng giờ địa phương (tức 23h21 ngày 7/3 theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, sau đó lại có thông tin khẳng định giờ cất cánh là 0h41 giờ địa phương (23h41 giờ Việt Nam).
Chưa hết, thời gian mất liên lạc cũng là nghi vấn. Phía Malaysia liên tục nói rằng đài kiểm soát không lưu Subang (bang Selangor, Malaysia) mất liên lạc với MH370 lúc 2h40 sáng theo giờ địa phương (1h40 sáng giờ Việt Nam), tức là khi đã bay được 2 tiếng. Nếu sự thật như vậy thì máy bay phải di chuyển được quãng đường dài hơn, tới gần miền Trung Việt Nam, vì tốc độ trung bình của Boeing 777-200 là khoảng 980 km/h. Trong khi đó, vùng thông báo bay của Việt Nam tại TP HCM cho biết theo kế hoạch sẽ tiếp nhận điều khiển MH370 vào lúc 0h22 giờ Việt Nam và khi làm thủ tục tiếp nhận, họ liên lạc với tổ lái thì không thấy tăm hơi. Trên màn hình rađa cũng không có số hiệu của chuyến bay này.
Như vậy, máy bay mất tích chỉ sau khi bay khoảng 40 phút.
Tâm Anh tổng hợp