Ở chốn công sở, mỗi vị trí có cách ứng xử, làm việc khác nhau, nhưng đều cần có sự thích nghi và học hỏi. Với những người cấp quản lý, việc dẫn dắt nhóm, đội của mình đi đúng hướng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Lúc này, người quản lý không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải tinh tế, khéo léo để thuyết phục thành viên đội mình, tạo điều kiện để họ cống hiến và phát huy hết năng lực.
Dưới đây, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink đưa ra một số những việc cấp quản lý nên tránh ở chốn công sở.
Căng thẳng, thiếu tự tin về bản thân
Theo đại diện CareerLink, người làm quản lý không nên suy nghĩ: Có những người sinh ra để làm lãnh đạo và những người khác thì không. Bởi mọi thứ đều cần học hỏi và xây dựng.
Bạn có thể xem vai trò quản lý là cơ hội để phát triển, khẳng định bản thân. Việc cần làm là tin tưởng chính mình, không đặt nặng vấn đề. Bạn cần chứng tỏ cho cả cấp trên và cấp dưới rằng mình xứng đáng ngồi vào vị trí này.
Thay đổi nguyên tắc làm việc trước đây
Mọi sự thay đổi đều cần thời gian để thích ứng, đối với cả người quản lý lẫn cấp. Mỗi nhà quản lý đều có phương hướng và cách quản trị khác nhau. Nếu là người mới được thăng chức, sự thích ứng với vị trí mới là cần thiết nhưng bạn cũng cần cho bản thân một khoảng thời gian để thích nghi, không nên nóng vội trong cách làm việc khiến nhân viên không theo kịp. Việc này có thể khiến các nhân viên áp lực, thậm chí rời bỏ để tìm một việc làm mới.

Sự khéo léo trong công việc và giao tiếp là điều cần thiết với một người quản lý.
Tạo khoảng cách với đồng nghiệp cũ
"Một sai lầm lớn của nhiều người sau khi được thăng chức là giữ khoảng cách với các nhân viên, chỉ trao đổi về công việc mà không có sự quan tâm tới cuộc sống của họ", trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink cho biết.
Vị này đánh giá, hành động đó không giúp bạn trở nên quyền lực hơn, hay được nhân viên kính nể hơn, mà còn khiến nhân viên chán nản, thậm chí xa lánh. Thay vào đó, người quản lý cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên, hiểu rõ năng lực, hoàn cảnh của họ để từ đó có chiến lược quản lý hiệu quả.
"Đừng coi nhân viên là những người làm dưới trướng bạn, hãy xem họ là những người đồng đội", đại diện CareerLink khuyên.
Ôm đồm, giao việc cho nhân viên
Học cách tin tưởng nhân viên và biết giao việc là một trong những kỹ năng một nhà quản lý cần. Tuy nhiên, việc ôm đồm mọi thứ có thể sẽ tạo thêm áp lực cho chính bạn và nhân viên của mình.
Một người lãnh đạo cần đi tiên phong, cung cấp cho nhân viên các công cụ, đường lối và động lực cần thiết để họ thực hiện tốt công việc của mình.
Phê bình mà không giải thích, đổ lỗi cho cấp dưới
Theo Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink, trong công việc, người quản lý không nên trách hay đổi lỗi quá nhiều cho cấp dưới của mình. "Hãy đặt bản thân mình vào vị trí của nhân viên khi phải hứng chịu những lời phê bình, những sự đổ lỗi. Thay vào đó, hãy chỉ ra lỗi sai của họ, giúp nhìn nhận thấy nó và sửa chữa", vị này nhận định.
Ngoài ra, trước khi đưa ra bất kỳ lời chỉ trích nào, người quản lỹ cũng cần đưa ra những lý do phù hợp, giải quyết được thỏa đáng vấn đề.
Vị trí quản lý không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nếu tinh tế, bạn sẽ khiến bản thân và những nhân viên luôn vui vẻ, muốn cống hiến cho công việc. "Hãy học hỏi, thích nghi và tạo ra những thay đổi cần thiết ở vị trí này", đại diện CareerLink nhấn mạnh.
Hà Phương