Sáng 11/4, tác phẩm được Box Office Vietnam ghi nhận thu về hơn 101,2 tỷ đồng; giúp đạo diễn Bùi Thạc Chuyên gia nhập "câu lạc bộ trăm tỷ" của phim nội địa. Tác phẩm cũng nhận nhiều đánh giá tốt từ giới làm phim, nghệ sĩ và khán giả.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối chọn mốc kể chuyện sau sự kiện Cedar Falls trong chiến tranh Việt Nam đầu năm 1967, khắc họa những lát cắt trong quá trình chiến đấu của đội du kích Bình An Đông tại địa đạo Củ Chi.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng các diễn viên Thái Hòa, Hồ Thu Anh, Quang Tuấn (từ phải qua) tại buổi công chiếu phim tại TP HCM hôm 31/3.
Sức nóng trước ngày chiếu
Cuối tháng 4/2024, thông tin Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là bộ phim hướng đến kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất gây chú ý trên truyền thông. Dấu mốc lịch sử của dân tộc khơi gợi niềm háo hức của một bộ phận công chúng dành cho phim. Bên cạnh đó, việc đây là phim đề tài chiến tranh đầu tiên không nhận vốn nhà nước cũng khiến nhiều người tò mò.
Một năm sau, phim khởi chiếu và trở thành chủ đề thảo luận trên mạng xã hội. Theo nhiều khán giả, sự góp mặt của Thái Hòa (trong vai thủ lĩnh Bảy Theo của đội du kích) là lý do khiến họ ra rạp.
Tuần đầu tại rạp, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối chiếm lĩnh lượng suất chiếu. Tại mỗi cụm rạp CGV ở khu vực trung tâm của TP HCM và Hà Nội, phim có 12-15 suất chiếu mỗi ngày. Lợi thế khung giờ chiếu dàn trải trong ngày giúp phim có nhiều cơ hội tiếp cận khán giả.
Hiệu ứng nghe nhìn ấn tượng
Tác phẩm trải ra trên màn ảnh nhiều cảnh bom Mỹ oanh tạc, xe tăng phun lửa đốt rừng, máy bay quân sự bị bắn rơi với cảm giác chân thật từ thị giác đến cảm giác. Kỹ xảo được chau chuốt kỹ lưỡng. Trong khi, các vết thương, vết bỏng của thương binh, liệt sĩ được hóa trang chân thật, gieo nỗi ám ảnh về tội ác chiến tranh. Với không gian chật hẹp phục dựng địa đạo, ánh sáng được tính toán tối ưu, đảm bảo hiệu quả hình ảnh, nhưng cũng đưa người xem bước vào cảnh sống thiếu sáng bên dưới lòng đất.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết đã lâu anh mới có một trải nghiệm điện ảnh "sướng như thế". Theo anh, tác phẩm của Bùi Thạc Chuyên xứng đáng phát hành khắp thế giới. Đạo diễn Victor Vũ dùng từ "khốc liệt và bi tráng" để nói về phim.

Loạt cảnh cháy nổ được dàn dựng ám ảnh.
Thay vì một con người, vai trò trọng tâm gắn kết và kể chuyện được đặt vào hình ảnh địa đạo. Dàn nhân vật du kích được phân chia tuyến truyện khá đồng đều và không được làm rõ lai lịch. Qua đó, kịch bản xóa nhòa chủ nghĩa cá nhân trong cách mạng, làm nên chân dung những người "không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ đã làm nên Đất Nước" như trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm.
Dù vậy, câu chuyện tình yêu vẫn được lồng ghép vừa đủ tinh tế và ấm áp. Tư Đạp (Quang Tuấn) và Ba Hương (Hồ Thu Anh) là kiểu tình yêu điển hình của thời chiến, khi họ cân bằng giữa cảm xúc cá nhân và trách nhiệm với Tổ quốc.
Tình yêu của họ được xây dựng từ tốn và dẫn dắt trong các tình tiết nhỏ. Họ hầu như chưa từng tỏ lời yêu nhưng không thể giấu được sự cảm mến qua từng lời trách móc, ánh mắt trộm nhìn nhau hay cái đan tay khẽ khàng dưới mặt nước. Khoảnh khắc tình tự của Tư Đạp và Ba Hương dưới địa đạo vào cuối phim là một trong những cảnh "nóng" đẹp nhất của màn ảnh Việt.

Hồ Thu Anh - Quang Tuấn thể hiện chuyện tình thời chiến nhiều xúc động.
NSƯT Trần Lực nhận xét cái hay của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là câu chuyện không nói đạo lý và đầy ẩn ý, đưa người xem hoà mình với sinh hoạt, cảm xúc, tình cảm của những người sống ở địa đạo để nâng tầm cuộc chiến, tình yêu dành cho đất nước.
NSƯT Hạnh Thúy gọi tác phẩm là "bài bi tráng ca của điện ảnh về lịch sử dân tộc". Từng góp mặt trong hai dự án của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, chị nhận định đồng nghiệp giữ đúng phong cách cá nhân, không sa đà vào kể lể và lời thoại cực kì cô đọng.
Diễn viên tài năng và lăn xả
Từ vẻ ngoại gầy rộc, đầu tóc, mặt mũi, tay chân lấm lem mồ hôi hòa với bùn đất, dàn diễn viên cho thấy thái độ nghiêm túc của họ dành cho nhân vật và tác phẩm. Vẻ thành thạo của họ khi đi lại, sinh hoạt trong địa đạo cũng như khi vận chuyển quân trang, chiến đấu với giặc làm người xem cảm nhận họ hòa nhập vào vai trò lính du kích thời chiến chinh.
Hơn thế, các diễn viên dù đóng phim lâu năm hay lần đầu bén duyên điện ảnh cũng xử lý tốt tâm lý nhân vật. Quang Tuấn thể hiện một cách thú vị hình ảnh cao thủ cơ khí, tính tình quái lạ, đôi khi ngây ngô nhưng đầy dấn thân với những thí nghiệm bom mìn. Hồ Thu Anh tiến bộ trong diễn xuất, xây dựng chân dung cô du kích can trường, chất chứa nhiều suy tư sau đôi mắt buồn. Giữ tuyến tình cảm chính, hai diễn viên đong đầy tình tứ trong ánh mắt hay từng câu thoại hờn trách.
Đối với "vua phòng vé" Thái Hòa, Bảy Theo bề ngoài cộc cằn, bên trong thăm thẳm suy tư không phải vai diễn khó. Cách xưng hô "mày - tao", văng tục, quát nạt nhưng thực chất đầy lo lắng được anh thể hiện tự nhiên, làm nên chân dung thủ lĩnh chất phác, giống như người cha, người anh của các chiến sĩ.

Thái Hòa thêm một lần khẳng định thương hiệu diễn xuất.
Bao quanh ba diễn viên chính là dàn phụ đông đảo nhưng mỗi người đủ sức để lại dấu ấn riêng. Hoàng Minh Triết mang gương mặt lạnh, tĩnh và tỉnh, phù hợp vai người lính tình báo Hai Thưng, đôi khi khiến người xem ngờ vực về bản chất thật - giả của nhân vật. Khánh Ly lanh lợi trong vai con gái của Bảy Theo. Lê Cao Sang và Anh Tú Wilson ra chất những cậu trai mới lớn, đầy sôi nổi trong quân ngũ... Từng người cho thấy tinh thần lăn xả vì vai diễn cùng khả năng nhập vai tốt.
NSND Lan Hương bày tỏ sự cảm phục với cách hóa thân, sống hết mình với nhân vật của dàn diễn viên. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh xúc động khi thấy những gương mặt thân quen hòa vào khói lửa, vào nước, vào trận địa. Diễn viên Phương Anh Đào gửi lời cảm ơn đến các diễn viên vì đã sống trọn vẹn, lăn xả hết mình để tái hiện một mảnh lịch sử oanh liệt.

Dàn diễn viên trẻ Anh Tú Wilson, Hoàng Minh Triết, Nhật Ý, Hồ Thu Anh, Khánh Ly, A Tới (từ phải qua) trong buổi chiếu phim tri ân cựu chiến binh và người dân Củ Chi hôm 10/4.
Đỗ Hoàng