Câu chuyện phim diễn ra sau chiến dịch Cedar Falls của Mỹ năm 1967, khi kẻ địch leo thang bắn phá miền Nam, chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt. 21 chiến sĩ thuộc đội du kích Bình An Đông trụ vững trong địa đạo, tử thủ cùng Củ Chi quê nhà.
Trong khi nhiều phim chiến tranh của quốc tế và Việt Nam tập trung vào một hoặc hai nhân vật chính, tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên phân chia tương đối đồng đều câu chuyện cho các nhân vật. Ba vai diễn Bảy Theo (Thái Hòa đóng), Tư Đạp (Quang Tuấn đóng) và Ba Hương (Hồ Thu Anh đóng) có vai trò quan trọng nhất, nhưng cơ bản, cách khắc họa dàn nhân vật chính và phụ khá tương đồng.
Từng nhân vật được gọi bằng tên kèm theo một con số ở trước theo cách xưng hô bằng thứ tự trong gia đình ở miền Nam: Bảy Theo là con thứ bảy trong gia đình, Sáu Lập là con thứ sáu trong gia đình, Út Khờ là con út trong gia đình... Không ai được làm rõ tuổi tác, lai lịch. Họ hiện lên qua cách chuyện trò, ứng xử với nhau và cách họ tập luyện, chiến đấu mỗi ngày.
Phim cũng hạn chế cỡ cảnh cận riêng từng người. Thay vào đó, loạt cảnh toàn ghi lại đời sống sinh hoạt tập thể trong lòng địa đạo được dành cho nhiều thời lượng hơn. Cách làm này triệt tiêu chủ nghĩa cá nhân, ngụ ý đội du kích Bình An Đông là một gia đình. Bước vào đây, những thứ xoay quanh đời tư mỗi người đều thành thứ yếu để tập trung cho lý tưởng chiến đấu sục sôi trong mỗi trái tim.

Phim có nhiều cảnh sinh hoạt tập thể trong lòng địa đạo Củ Chi.
21 con người vốn là dân địa phương. Họ mặc đồ bà ba, chân mang dép cao su, mặt mũi lấm lem bùn đất. Họ không trải qua khóa huấn luyện quân sự nào, cũng không phải những người tòng quân. Đơn giản là giặc đến nhà cả làng cùng đánh, họ đứng lên bằng tinh thần, chiến đấu bằng bản năng đúng nghĩa "ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc". Bởi lẽ đó là trong cuộc đối thoại với một chỉ huy tình báo, thủ lĩnh Bảy Theo bày tỏ ít nhiều âu lo về các chiến sĩ của anh, bởi họ là du kích, không được đào tạo chính quy.
Ở một số tình huống, khán giả sẽ thắc mắc tại sao nhóm du kích trẻ tuổi cứng đầu quá, bồng bột quá. Đàn anh, đàn chị ra lệnh nấp nhưng họ không chịu nấp; nhắc họ ở yên, đừng bắn mà họ cứ liều mình chĩa súng về phía địch.
Thực ra, tâm lý này rất dễ hiểu. Đa phần lính du kích trong phim đều quá trẻ, không ít người chỉ mười mấy tuổi. Sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong hào chiến đấu, họ có thể sẵn lòng kiên trung nhưng chưa chắc đủ đầy suy nghĩ chín chắn. Chưa kể, trong thời đại như thế, việc bắn trúng một tên địch, đẩy lùi được một tiểu đội địch giống như một thành tựu họ khát khao. Vậy nên, hành động đầy bản năng của họ là điều chân thực.

Những người lính đầy hoài bão, khát khao nhưng đôi khi còn trẻ người non dạ.
Với dòng phim chiến tranh - lịch sử, nhiều tác phẩm của điện ảnh Đông Á xây dựng không khí anh hùng ca, tạo dựng những góc máy tôn vinh nhân vật chính và hạ bệ kẻ địch. Những cảnh phim như thế dễ khơi gợi lòng tự tôn của người dân mỗi đất nước, nhưng đôi khi đưa đẩy niềm xúc động, giọt nước mắt một cách khiên cưỡng. Cách làm này hoàn toàn vắng bóng trong Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.
Các nhân vật của phim được khắc họa một cách đời thường. Lối nói chuyện bỗ bã, nhiều khi văng tục là một điểm nhấn hay của lời thoại. Bởi điều đó cho thấy bản tính dân dã và sự gắn kết giữa các nhân vật. Phải coi nhau như người nhà, họ mới nói chuyện vô tư với nhau như vậy.
Ngoài những giờ chiến đấu, họ sống chân chất, có lúc ghép cặp trêu nhau, có khi trăn trở "tụi Mỹ mạnh vậy, mình chơi sao lại nó". Họ cũng có lúc sơ sẩy trong tập huấn và chiến đấu, nhiều khi sợ cái chết, có khi choáng váng vì một vụ bom nổ, quặn thắt đau lòng chứng kiến đồng chí của mình ngã xuống. Và họ cũng khao khát được yêu đương.
Những phản xạ và nhu cầu bình thường của đời sống như thế giữ được chất con người trong những người lính. Họ là người dân bình thường như bao đồng bào Việt Nam, họ không phải thánh thần hay siêu anh hùng để dễ dàng bước qua mọi biến cố đau thương của thời cuộc và số phận.
Cách xây dựng nhân vậy này giữ cho Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối bám sát hiện thực chiến tranh trong lịch sử. Cuộc trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc về bản chất là chiến tranh nhân dân. Trước khi là người lính, mỗi người là một người con của gia đình. Trước khi cầm súng ra trận, họ từng cầm bút ở trường học, cầm cuốc, thuổng trên cánh đồng.
Một yếu tố quan trọng làm nên không khí địa đạo chân phương, giàu cảm xúc là tài năng nhập vai của dàn diễn viên. Dù vai chính hay phụ, dù nam hay nữ, từng người cho cảm giác họ sống với nhân vật. Có người giảm vài kg, có người xuống hơn 10 kg, ai cũng gầy guộc, khắc khổ. Khuôn mặt, mái tóc, chân tay họ bết mồ hôi lẫn với bùn đất, ngay cả móng tay, móng chân cũng bám đen sình lầy. Diện mạo như thế cùng với thao tác sinh hoạt, chiến đấu thành thục trong không gian hẹp giúp người xem tin tưởng họ là lính du kích thực thụ.

Thái Hòa, Quang Tuấn (từ trái qua) cùng dàn diễn viên trẻ sống trong cuộc đời của những du kích.
Với bối cảnh năm 1967, khi ngày hòa bình và thống nhất còn cách xa gần một thập kỷ, bộ phim không thể tránh khỏi những cái chết trong câu chuyện. Ở nhiều phim Việt Nam và nước ngoài, cái chết cao cả thường được tô đậm, để khơi gợi cảm giác hào hùng và xót thương cho khán giả, gieo dư âm cho mỗi người khi phim kết thúc. Nhưng Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối chọn hướng đi khác. Mỗi sự hy sinh trong phim được khắc họa khá nhanh, thậm chí có cảm giác lướt qua, dễ làm người xem hẫng hụt.
Tuy nhiên, cách làm này thỏa đáng với tinh thần của du kích. Thời buổi chiến loạn, những người lính phút trước vui cười với nhau nhưng phút sau có thể nhìn nhau tử trận. Cái chết trong chiến tranh đột ngột, không được báo trước. Giữa bom đạn ác liệt, hàng nghìn người ngã xuống, những người đồng đội, đồng chí không phải lúc nào cũng có thể dừng lại quá lâu trước cái chết của một ai đó. Đội du kích Bình An Đông lẩn khuất trong địa đạo, đấu với giặc Mỹ bằng chiến thuật, đến lúc nằm xuống cũng lặng lẽ âm thầm. Họ chính là những người "không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ đã làm ra đất nước" như câu chữ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng ca tụng.
Đúng với tựa đề Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, các nhân vật nằm gai nếm mật dưới lòng đất, sống trong cảnh thiếu ánh mặt trời nhưng mỗi trái tim đều ấm áp ánh dương của lý tưởng hòa bình, khát vọng thống nhất. Và chính họ cũng là những mặt trời thắp sáng những căn hầm nơi đất thép Củ Chi.
Đây là dự án điện ảnh chiến tranh - lịch sử đầu tiên tại Việt Nam không có vốn đầu tư của nhà nước. Phim đang chiếu rạp trên toàn quốc.
Trailer phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'
Phong Kiều