Sự hư hỏng của con trẻ có một phần lỗi lớn của bố mẹ. (Hình minh họa). |
Mê mải làm ăn, nhiều ông bố bà mẹ chẳng hình dung nổi đứa con "bé bỏng" của mình đã "tác oai tác quái" những gì ngoài giờ học. Không ít bậc phụ huynh cho rằng con cái mình vẫn là "búp trên cành", ngoài chuyện ăn học ra thì chúng "vô nhiễm" trước những cạm bẫy ngoài xã hội. Họ tin như thế bởi họ đã quản lý con rất chặt chẽ.
Vũ Việt Trung học lớp 11 trường Đinh Tiên Hoàng, hàng ngày bố hoặc mẹ vẫn đưa đi học, và chỉ quay xe khi nhìn thấy cậu con trai đi khuất vào cổng trường. Ngoài giờ học thêm, buổi tối Trung không được ra khỏi nhà để tránh chuyện thuốc lắc, lên sàn... Nhà có điều kiện, nhưng bố mẹ Trung không kết nối Intemet vì sợ cậu mải chát chít, hay lạc vào web đen.
Phòng ngừa cẩn thận như thế, bố mẹ Trung hoàn toàn yên tâm về vòng vây bảo vệ "vô trùng" cho quý tử của mình. Ai ngờ, cái khó ló cái khôn, Trung không lách được thời gian để đi chơi cùng chúng bạn thì cậu... chơi bù trong giờ học.
Bạn bè nói rằng, khi chuông vào lớp cũng là lúc Trung khoác cặp chạy ra khỏi cổng trường. Ở đó, đám bạn "cùng cảnh ngộ" đã đậu xe chờ cậu. Cuối ngày, Trung lại tươm tất áo bỏ trong quần, luồn cổng sau để đi hiên ngang ra cổng trước chờ bố mẹ đón về. Có trời mới biết hàng ngày Trung làm những gì vào khoảng thời gian cậu "đi học" cùng lũ bạn lêu lổng. Nhưng Trang vẫn xin tiền bố mẹ đều như vắt chanh cho các khoản học phí, đóng góp xây dựng trường lớp quỹ ngoại khoá, tiền học thêm...
Bố mẹ Trung sẽ vẫn tự hào và yên tâm về con mình cho đến một ngày. Hôm đó là 20/11, bố mẹ đến chúc mừng cô giáo chủ nhiệm, cô vừa buồn phiền, vừa cảm động khi thấy bố mẹ Trung. Cô cảm động vì "em Trung nghỉ học rồi mà gia đình vẫn nhớ đến cô giáo", cô buồn vì Trung vốn thông minh, nhưng chắc bố mẹ bận làm ăn quá nên không sát sao được để Trung nợ học phí, không có tiền đóng, chắc xấu hổ cộng với bạn bè rủ rê nên bỏ đã học hơn 1 học kỳ nay rồi. Bố mẹ Trung chết điếng.
Nguyễn Hoàng Minh (16 tuổi), học sinh lớp 11 trường Dân lập Thăng Long, đang "cặp bồ" với một bé học lớp 9, tuyên bố: "Bản lĩnh đàn ông thời nay là phải chơi bạo!". Tức là đã rủ em đi hát, xoàng nhất cũng phải ngồi Blue Eyes, Bách... Mỗi tuần ít nhất phải lên "Niu" (New Centery) tập thể dục 2 lần (đi nhảy).
Còn ngày kỷ niệm tình yêu, sinh nhật tụ tập đám bạn, tất nhiên là phải đặt bàn trước mới "oách". Mà đã ngồi ở Hồ Gươm Xanh Hale Club, Oasis, Vạn Hoa - mở mồm gọi nước cam với sinh tố thì "rất nhục".
Nhưng cả chàng và nàng đều là "phận sống nhờ", không phải lúc nào cũng có tiền găm trong người. Hẹn nhau đi chơi buổi tối, bằng mọi cách phải xoay ra tiền trong chiều. Mánh khoé cơ bản vẫn là xin tiền đi học thêm, tố mức đóng lên nhiều lần hoặc bịa trắng ra khoản đóng, nhưng bản thân thì không bén mảng đến lớp học thêm để… tiết kiệm tiền.
Hầu hết các nhóm "tay chơi" máu mặt của cấp III đều có "công nghệ" làm giả giấy báo của nhà trường, những giấy báo ấy thường có nội dung duy nhất: thông báo cho phụ huynh về các khoản đóng góp. Trong các tình huống "ban-căng", không xoay kịp tiền thì "các cậu các mợ" kéo nhau ra phố cầm đồ Dặng Dung đặt điện thoại, đồng hồ, kính, trang sức, kim từ điển, giấy tờ xe, có cả trường hợp mang giấy tờ nhà của bố mẹ đi đặt.
Cô bé Hoàng Đỗ Quyên, mới học lớp 10 trường PTTH Trần Phú đã sớm có gương mặt từng trải. Quyên là con một nên được bố mẹ rất cưng chiều. Vừa vào cấp III, Quyên muốn có xe Dylan đi học cho "bằng bạn bằng bè" là có ngay, Quyên được dùng điện thoại di động từ năm lớp 8 - lúc nào cũng là "đời chót". Bố mẹ Quyên mở doanh nghiệp, để kiếm tiền cũng phải "đổ mồ hôi, sôi máu mắt", nhưng Quyên thì tiêu tiền như người ta... xả nước máy.
Trong đám bạn, Quyên luôn chứng tỏ mình là đứa chơi bạo nhất. Nếu trên đường đi, bạn bè thân của Quyên mà nhìn cái áo nào chăm chú, ngay hôm sau cô nàng sẽ đi mua tặng ngay. Quần, áo, giày, đồ underwear của "đẳng cấp tiêu dùng" như Quyên đương nhiên toàn hàng hiệu, giá tiền triệu cho mỗi món.
Như một hệ lụy tất yếu của việc ăn chơi đua đòi, Quyên sớm lao vào vòng yêu đương khi chỉ mới 13 tuổi. Đến 16 tuổi, Quyên đã qua 5 mối tình - và tất cả đều "tới tận cùng". Bạn bè Quyên đồn đại về chuyện "nuôi bồ" của Quyên với sự trầm trồ thán phục cho "bản lĩnh" của cô bé.
Chả là bố mẹ Quyên đi nước ngoài 1 tháng, ở nhà giao phó cô cho người giúp việc, và một tài khoản cá nhân trong ngân hàng để Quyên chi tiêu chủ động. Quyên lập tức "mua đứt" người làm bằng cách phát hẳn lương tháng (cao gấp đôi lương bố mẹ vẫn trả) để người làm... về quê nghỉ ngơi. Cô đón bạn trai về ở cùng. Hai đứa sống như vợ chồng, ngày chở nhau đi học, hoặc ngủ vùi, tối lên sàn, tụ tập đám bạn quậy tưng bừng.
Bố mẹ Quyên trở về, muốn ngất khi thấy một thằng con trai mặt nhàu nhĩ đang nằm ngủ "phơi hàng" trong lòng con gái mình, nhà cửa ngổn ngang vết tích của những cuộc đập phá thác loạn.
Rất nhiều cô cậu học trò quan niệm về tình yêu thật đơn giản: Yêu để "bằng bè bằng bạn", đã sành điệu phải có người yêu (như điện thoại, xe máy đẹp); yêu để được bao, được có quần áo đẹp, chơi những chỗ đắt tiền. Và yêu kiểu gì thì chuyện tình dục cũng là yếu tố rất quan trọng. Lũ trẻ táo tợn đến nỗi sẵn sàng yêu nhau ở nhà một đứa khi bố mẹ đi vắng. Cũng có nhiều đôi đi nhà nghỉ.
Hoàng Thiên Ngân, lớp 10 trường Trần Phú, kể: "Con bạn em chiều nào cũng ở nhà nghỉ với người yêu. Nó bỏ học mấy tháng rồi mà bố mẹ không biết, cứ tưởng nó bận học thêm học nếm".
Vấn đề an toàn tình dục với những đôi tình nhân tuổi ô mai cũng là... chuyện nhỏ. Hoặc không có kiến thức về sức khoẻ sinh sản, hoặc bất cần. "Lúc người yêu "đòi" thì không dừng được. Thì tặc lưỡi, nếu có hậu quả gì thì cũng đến... hút một cái là xong ấy mà!". Không ít các cô cậu học trò thành thị ngày nay còn có một quan niệm rất "thoải mái" về tình dục. Cô bé Thiên Ngân bĩu môi giải thích: "Bọn em cho rằng đã yêu nhau thật lòng thì không ngại gì".
Thực sự ra thì không "vẽ đường" "hươu" cũng đã tự chạy rồi, có lẽ ứng xử văn minh nhất của bố mẹ là nên trang bị cho con mình những kiến thức về giới tính thẳng thắn nói chuyện với con mình, nên chia sẻ cùng con cái để ít nhất cũng không dồn chúng vào chỗ dối trá và những tai nạn từ sự thiếu hiểu biết.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)