Cuối năm ngoái, anh Tan Zhouhai ở Hồ Nam thường quay những video ngắn về cuộc sống nông thôn, tải lên Internet để quảng cáo cho sản phẩm nông nghiệp địa phương. Mỗi bài đăng của anh nhận được vài chục, đôi khi vài trăm lượt thích trên mạng xã hội Trung Quốc.
Nhưng con số đã thay đổi bất ngờ khi anh đăng một video ghi lại cảnh người ông 83 tuổi của mình nhảy theo bài hát Little Apple nổi tiếng. Clip này có tới 10.000 lượt thích. Thành công ngoài mong đợi, anh Tan nhờ ông làm "diễn viên" cho các clip tiếp theo của mình với hình ảnh đặc trưng là ông ngoại miệng móm mém, đeo một cặp kính râm tròn.
Tài khoản hiện có 1,6 triệu người theo dõi và ít nhất 3 triệu lượt thích. "Trước khi ông hỗ trợ tôi, tài khoản của tôi chỉ đơn thuần giới thiệu thực phẩm và không được chú ý trên internet", Tan nói. Với người ông trong video, anh thể hiện lòng hiếu thảo, tình yêu thương gia đình và gần gũi như bạn bè. "Người theo dõi rất xúc động. Họ nói thích ông tôi và khen ông dễ thương", anh cho biết.
Ông của Tan chỉ là một trong số những người cao tuổi "gây bão mạng xã hội" ở Trung Quốc.

Tan và ông mình trong một video. Ảnh: Handout.
Hai ứng dụng video ngắn hàng đầu của Trung Quốc là TikTok và Kuaishou đều có khoảng 400 triệu người dùng hàng tháng. Theo Yu Siyao, một nhà phân tích từ Viện nghiên cứu LeadLeo, hơn 70% người dùng các ứng dụng này có độ tuổi dưới 35, trong đó, khoảng một phần ba ở độ tuổi 24 - 30.
"Các video có cha mẹ và ông bà của người trẻ có xu hướng được nhiều người thích và bình luận", Yu nói. Họ gây bất ngờ vì tuổi già nhưng tính cách trẻ trung, ngược lại với quan niệm ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người là người già chậm chạp, nằm liệt giường vì bệnh tật, sống tẻ nhạt, bị thời trang và công nghệ hiện đại bỏ lại phía sau.
Gần đây, bà lão 99 tuổi ở Thành Đô, Tứ Xuyên cũng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Bà cụ có biệt danh "Bà già thích đồ ăn", có 6,6 triệu người theo dõi. Bà ăn tất cả các món, từ lẩu đến đồ ngọt, bánh mì kẹp thịt và uống rượu. Bà lão khoái nước ngọt có ga và sầu riêng.
Granny Wang, một phụ nữ 79 tuổi đi giày cao gót cũng nổi tiếng vì dáng đẹp, quần áo thanh lịch và phong cách. "Ông của Yaoyang" - một ông lão 80 tuổi - gây chú ý đặc biệt khi chia sẻ câu chuyện hài hước về cuộc sống hàng ngày bằng phương ngữ vùng đông bắc Trung Quốc. Hai người này lần lượt có 16 triệu và 13 triệu người theo dõi.
Jiang Minci, kỹ sư đường sắt 89 tuổi về hưu ở Quảng Châu, đã nổi tiếng trong bốn tháng qua sau khi phát hành video ngắn trên mạng xã hội. Dưới các video ghi lại cảnh bà nấu món ăn địa phương, tràn ngập các lời bình luận "Xin chào bà" từ những người theo dõi.

Jiang Minci, một kỹ sư đường sắt đã nghỉ hưu, kiểm tra từ điển trong khi chuẩn bị cho một video, được sản xuất với sự hỗ trợ của cháu trai bà. Handout.
"Tôi rất vui khi được giao lưu với người trẻ. Tôi cảm nhận được sức sống của họ và thấy mình trẻ hơn. Tôi như có thêm nhiều đứa cháu nữa", bà Jiang nói.
Bà lão bắt đầu tò mò về các video ngắn khi cháu trai 16 tuổi xem chúng và cười nhiều. Bà quyết định chia sẻ kinh nghiệm sống của mình với người trẻ, để họ hiểu sâu hơn về quá khứ khó khăn.
Với sự giúp đỡ của cháu trai, mỗi video mất ba giờ chuẩn bị. Bà cho biết đang học cách chỉnh sửa video và hy vọng sớm không cần sự trợ giúp của cháu nữa. Bà lão giao tiếp trực tiếp với bạn bè trên WeChat và trả tiền mua sắm qua ứng dụng trực tuyến.
Chen Duan, chuyên gia kinh tế dữ liệu và truyền thông từ Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương ở Bắc Kinh cho biết, sự phát triển của công nghệ đã giúp người cao tuổi sử dụng các công cụ kỹ thuật số dễ dàng hơn, dẫn đến nhiều người trong số họ trở thành người nổi tiếng và người làm blog của các video ngắn.
"Không phải người già nào cũng có thể nổi tiếng trên mạng. Điều đó phụ thuộc vào ý thức truyền thông, cảm nhận của họ trước ống kính và kỹ năng diễn xuất", Chen nói.
Nhật Minh (theo SCMP)