Mới 6h sáng, ở Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ (C32) Bộ Công an, đã náo động bởi những tiếng sủa ầm ĩ tại khoảng sân lớn giữa trung tâm. Vừa nghe hiệu lệnh tập hợp thành hàng dọc, các chú chó kéo xích, quay mình cùng các học viên. Sau bài đi bộ, chạy khởi động, hàng chục chú chó to khỏe, dữ dằn lại ngoan ngoãn nằm rạp xuống đất để thực hiện động tác khó hơn.
Thượng sĩ Lê Hoàng Hữu Hùng (25 tuổi) đến từ công an tỉnh Tiền Giang được giao huấn luyện một chú chó tên Can, giống chó nguồn gốc từ Tây Ban Nha, có dáng nhỏ nhắn, ham sục sạo và thích chạy nhảy. Đây là loại chó dùng để giám biệt các chất đặc định như ma túy, chất nổ. Can mới qua lớp đào tạo được hai tháng nhưng đã thực hiện nhiều động tác khá thành thục như cắp vật, ngửi, sủa, leo cầu... Theo chương trình, sau 6 tháng huấn luyện và có kiểm tra thi tốt nghiệp, Can sẽ được đưa về đội cảnh khuyển của công an tỉnh.
Một buổi tập luyện của học viên và những chú chó nghiệp vụ tại trung tâm. |
Thượng tá Lê Xuân Phong, Trưởng phòng Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ, cho biết, Trung tâm đang nuôi dưỡng và huấn luyện hơn 300 con, trong đó chủ yếu là giống béc-giê, rottweiler, labrado và cocker là giống chó lùn trông khá yêu kiều. Số chó được huấn luyện theo yêu cầu của công an các tỉnh, thành phố khá nhiều. Tuy nhiên, số chó nghiệp vụ có “năng khiếu” đặc biệt lại không nhiều, chỉ có 12 con là các “chuyên gia” phá án.
Có hai loại chó nghiệp vụ, chó chiến đấu và chó trinh sát. Chó chiến đấu thường là giống béc-giê của Đức, Nga. Chúng có thân hình to lớn, có con nặng hơn 40 kg, rất hung dữ và sức khỏe dẻo dai. Loại này được dùng trong công tác bảo vệ, trấn áp các đối tượng côn đồ, hung hãn, hoặc đuổi bắt đối tượng.
Loại thứ hai là chó trinh sát, hay còn gọi là chó giám biệt nguồn hơi. Chúng có vóc dáng bé nhỏ, bù lại là có chiếc mũi cực kỳ thính, đặc biệt là chó giám biệt chất ma túy, thuốc nổ. Giống chó chân lùn, tai thõng, nom như chó cảnh của Tây Ban Nha là loại thích hợp cho giám biệt chất đặc định.
Chó béc-giê là loại thông minh và dễ huấn luyện hơn các giống khác. Giống này cũng trung thành hơn với chủ của mình. Chọn được một chú chó để huấn luyện cũng hoàn toàn không dễ. Có hàng chục tiêu chuẩn ngặt nghèo được áp dụng như thể chất, độ tuổi, không có dị tật, dị hình…
Sau khi qua được sự kiểm tra của các cán bộ trung tâm, chúng sẽ được chăm sóc đặc biệt về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện. Mỗi ngày, chó tại trung tâm ăn ba bữa ở mức trung bình một triệu mỗi tháng. Đồ ăn của chúng gồm sữa, trứng, thịt bò và thịt trâu và gà. Nếu béo hoặc gầy quá đều có chế độ ăn và tập riêng.
Xây dựng phản xạ có điều kiện với chó để các hành động được lặp đi lặp lại là khá khó khăn. Cũng giống như dạy học, tiếp xúc lần đầu với chúng, học viên phải uốn nắn từng ly từng tí. Khi xây dựng được mối quan hệ giữa “thày” và “trò”, chó sẽ trung thành và luôn nghe lời. Cả cán bộ huấn luyện và chú chó nghiệp vụ sẽ gắn bó đến hết thời gian sau này.
Chú chó béc-giê trong buổi huấn luyện chạy vượt các địa hình. |
“Nhiều lúc, cán bộ đi vắng, chúng ở nhà tỏ thái độ buồn bã, không muốn ăn uống…”, thượng tá Phong chia sẻ. Trong lịch sử nuôi dạy và sử dụng chó nghiệp vụ đã có trường hợp chó bị ốm chết, người nuôi dạy cũng ốm liệt hàng tháng trời, như chú chó Rutxlan và huấn luyện viên Trần Văn Thảo. Hoặc cũng có trường hợp chủ bị hy sinh, chó bỏ ăn và đến canh mộ chủ cho đến lúc sức tàn, lực kiệt…
Hoàn thành giai đoạn kết thân, chó sẽ được tập các động tác cơ bản như: đi đứng, nằm ngồi, bò, sủa, ngửi, bơi, phát triển tính hung dữ, vượt chướng ngại vật. Chúng được làm quen với điều kiện địa hình, môi trường ở nhiều nơi để thích nghi. Việc này sẽ được luyện tập thường xuyên, mỗi ngày khoảng 5-6 tiếng vào các buổi sáng hoặc chiều muộn để tránh cho các chú khuyển mệt, hiệu quả sẽ thấp.
Một học viên cho biết, chúng mất sức nhất là khi leo qua rồi chạy xuống các bậc thang cao chừng 3m hình tam giác. Có con còn nằm tại chỗ nghỉ ngơi, hoặc giận dữ quay sang sủa, gây hấn với “đồng môn” bên cạnh. Tuy nhiên, hiệu quả của những lần tập làm cho chúng “săn cơ”, sức khỏe dẻo dai. “Những lúc chúng mệt, cần có những cử chỉ vuốt ve, an ủi và nói lời động viên với chúng…”, một học viên tâm sự.
Học viên và chó béc-giê luyện tập động tác phát triển tính hung dữ. |
Rồi qua giai đoạn kết thân và huấn luyện cơ bản, tùy từng giống chó, chúng sẽ được theo chuyên khoa nào, giám biệt mùi hơi, lùng sục các chất đặc định (ma túy, thuốc nổ…) hay cứu hộ cứu nạn và phòng chống khủng bố. Loại chó lùn khá thích hợp với chuyên khoa truy tìm các chất đặc định. Trong khi đó, béc-giê thông minh, thần kinh căn bản và linh hoạt sẽ được “tuyển” vào khoa giám biệt mùi hơi.
Không trực tiếp huấn luyện, không bị những chú chó làm thương nhưng cán bộ ở phòng chăn nuôi, thú y cũng vất vả và nguy hiểm không kém. Đại uý Lê Văn Tuyên (49 tuổi), người có trên 20 năm công tác trong nghành bộc bạch, nuôi và chăm sóc những chú chó “đặc biệt” này cũng phải cẩn thận và tận tình như chính chăm con mình ở nhà. Hễ chó ốm, bỏ ăn mọi người phải thay nhau túc trực phòng chuyện “xấu” sẽ xảy ra. Anh chia sẻ, lắm lúc vợ trách móc và giận hờn vì mình quý chó hơn... vợ con.
Đào tạo chó nghiệp vụ, những cảnh sát trẻ tuổi tại trung tâm hầu như chân tay ai cũng bị thương tích sau mỗi bài tập. Các anh dí dỏm: "Lính chó mà không bị chó cắn thì không phải là lính chó".
Việt Dũng