![]() |
Những chiếc cầu bắc qua suối như thế này có thể bị lũ cuốn trôi bất cứ lúc nào. |
Ông Cà Văn Tem, Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, cho biết, toàn huyện có hàng chục cây cầu kiểu như vậy. Nhà nước cũng đã làm mấy cây cầu bằng bê tông khá chắc, song ở những vị trí không thuận tiện cho đi lại nên bà con ở đây chung sức với nhau tự làm cầu. Chỗ nào có suối chảy qua là làm cầu, chỉ là tre nứa ghép lại nên mỗi lần lũ về thì giao thông qua những điểm đó cực kỳ nguy hiểm.
Ở bản Ma Quai (xã Ma Quai), một chiếc cầu được dựng lên trước đó chỉ gần một tháng do Lò Văn Coong, cư dân trong bản, làm "chủ đầu tư". Chiếc cầu làm bằng tre đã có hiện tượng mục rỗng, không có tay vịn, lòng cầu chỉ rộng khoảng 30 cm, dưới chân cầu là suối Nậm Ớt đang lúc nước dâng cao.
Mùa nước lên, xe máy không lội qua suối được, phải đi trên cầu của Coong, và mỗi chuyến "qua cầu" như vậy, khách phải trả cho anh ta 2.000 đồng/xe. Coong cho biết trước đó 5 ngày, một xe máy bị trượt bánh do đè phải thanh tre mục ở lòng cầu, cũng may chỉ hỏng xe và người không bị thương nặng. Coong chỉ tay về phía dưới, đó là bản Nà Tăm, nơi mới ít bữa trước bị gãy một chiếc cầu, nước cuốn 2 khách bộ hành, rồi nói: "Phía dưới thấp hơn, nước chảy mạnh, năm nào cũng có người chết do lũ. Cầu bị cuốn, bị hỏng thì làm lại thôi".
Chị Phương, giáo viên dưới xuôi lên công tác tại xã Na Tăm được gần chục năm, kể rằng, cứ đến mùa lũ, chị đều dặn gia đình không được qua cầu, nước đang chảy lừ đừ nhưng có thể vồ lấy bất kỳ ai bước trên những cây cầu đó. Trận lũ trước đó mấy hôm, nước cao hơn lòng cầu khoảng 30 phân khiến cây cầu cứ dập dình, chực chờ trôi theo dòng lũ. Câu chuyện được nghe kể nhiều nhất ở đây là về những chiếc cầu ở bản Ba Há, Long Hẻo (xã Nậm Cha) với những tai nạn thương tâm.
Mùa mưa vừa qua, tại 2 bản nói trên lũ đã cuốn trôi 3 chiếc xe máy và làm bị thương ít nhất 15 người. Tính từ ngày có cầu, hàng chục mạng người đã bị cuốn theo dòng nước dữ. Cầu Long Hẻo ở xã Nậm Cha bị người dân gọi bằng cái tên mới: cầu Tử Thần. Cầu cách mực nước khoảng gần chục mét, rất ọp ẹp do quá cũ và hằng ngày phải oằn mình tải hàng trăm lượt người của 6 xã trong huyện qua đây.
Anh Tao Văn Bàn, người dân ở xã cho hay, năm nào lũ về, chiếc cầu này cũng "tiễn" ít nhất một người cho "hà bá". Nguyên nhân, theo anh Bàn, là do cầu quá cũ, không bằng nhịp, cộng với lũ to khiến cầu càng tròng trành.
Hiện nay ở Lai Châu, chỉ tính riêng huyện Sìn Hồ đã có khoảng trên dưới 30 cây cầu có tuổi thọ khoảng hơn chục năm trở lại, còn lại là hàng trăm cầu do dân tự làm. Ở Sìn Hồ, bây giờ vẫn đang là mùa lũ...
(Theo Thanh Niên)