Phạm Băng Băng trốn thuế
Sau khi biến mất ba tháng, nữ diễn viên Phạm Băng Băng - một trong những ngôi sao giải trí được trả lương cao nhất Trung Quốc - lộ diện vào tháng 10 với những thông cáo khiêm nhường trên Weibo. Cô viết tâm thư xin lỗi người hâm mộ và xã hội, thừa nhận nhiều lần sử dụng hợp đồng âm dương để trốn thuế. Cô đồng thời chấp hành nộp phạt 884 triệu nhân dân tệ (128 triệu USD) cho cơ quan thuế.
Trước đó, hồi tháng 5, MC truyền hình Thôi Vĩnh Nguyên đã đăng ảnh chụp hai hợp đồng khác nhau cho một phim mới của Băng Băng. Hợp đồng báo cáo với cơ quan thuế ghi lương 1,6 triệu USD, bản còn lại cho thấy mức lương thực sự là 7,8 triệu USD.
Nữ diễn viên phải ở trong một "resort cao cấp" 3 tháng để phục vụ điều tra. Cô được thả hai tuần trước khi viết cáo lỗi và quay về Bắc Kinh. Sau điều tra Phạm Băng Băng, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành lùng soát trên diện rộng hành vi trốn thuế của các sao thể thao và giải trí nước này.
Nhà sáng lập hãng thời trang Dolce & Gabbana kỳ thị chủng tộc
Khi phương Tây chuẩn bị bước vào dịp lễ Tạ ơn hồi tháng 11, dư luậnTrung Quốc xoay quanh một đoạn hội thoại trên mạng xã hội cho thấy một trong hai nhà sáng lập thời trang Dolce & Gabbana kỳ thị chủng tộc.Chiến dịch quảng cáo có ý sỉ nhục Trung Quốc của hãng này cũng gây tranh cãi.
Công ty thời trang Italy đã phải hủy show thời trang Thượng Hải, một trong những sự kiện quảng bá lớn nhất năm ở Trung Quốc của họ, sau làn sóng tẩy chay đồng loạt của giới sao và người mẫu Hoa ngữ.
Tài khoản theo dõi lĩnh vực thời trang có tên Diet Prada đã tung bằng chứng tin nhắn Instagram với nhà thiết kế Stefano Gabbana, trong đó ông này mô tả Trung Quốc là "đất nước của phân". Gabbana nói rằng tài khoản Instagram của ông bị hack và xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Công ty ông cũng gửi lời xin lỗi tới Trung Quốc và người dân.
Tất cả không đủ để cứu show của Dolce & Gabbana cũng như lấy lòng tin của người Trung Quốc. Sau đó, các sản phẩm Dolce & Gabbana bị gỡ đồng loạt khỏi những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, gồm Tmall, JD.com, Xiaohongshu và Secoo. Và trong một tuần, điểm sức khỏe thương hiệu Dolce & Gabbana tụt từ dương xuống âm sâu (-11,4), theo YouGov’s BrandIndex.
Giám đốc tài chính và phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) bị bắt
Sự việc xảy ra tại Vancouver (Canada) ngày 1/12 theo lệnh Mỹ. Bà Mạnh bị buộc tội vi phạm lệnh cấm vận Mỹ đặt lên Iran. Trung Quốc ngay lập tức triệu tập đại sứ Mỹ và Canada để trao công hàm phản đối và yêu cầu giải thích việc bắt người. Vụ việc xảy ra đúng thời điểm Mỹ - Trung căng thẳng về thương mại. Tổng thống Mỹ cho biết có thể can thiệp nếu cần để thỏa thuận với Bắc Kinh được đảm bảo.
Bà Mạnh, con gái ông chủ Huawei Nhiệm Chính Phi (Ren Zhengfei), sau đó được tại ngoại bằng khoản tiền 7,5 triệu USD, nhưng đối mặt khả năng bị dẫn độ về Mỹ. Sau khi về nhà, bà Mạnh viết trên WeChat: "Tôi tự hào về Huawei, về đất nước tôi. Cảm ơn những ai đã quan tâm đến tình trạng của tôi".
9 ngày sau vụ bắt ái nữ Huawei, Trung Quốc giam hai công dân Canada - Michael Kovrig và Michael Spavor - cáo buộc họ có hành vi "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc". Nước này không cho biết liệu đó có phải hành động trả đũa hay không.
Doanh nhân Lưu Cường Đông bị bắt
Nhà sáng lập kiêm CEO của JD.com Lưu Cường Đông bị bắt khi đang đi học tiến sĩ ở Mỹ hồi tháng 8, với cáo buộc hiếp dâm nữ sinh Trung Quốc cùng trường. Nhưng vừa qua, bang Minnesota thông báo miễn truy tố tỷ phú Lưu vì thiếu chứng cứ. Ông Lưu nhận lỗi với vợ, "hot girl trà sữa" Chương Trạch Thiên, và một mực khẳng định không vi phạm pháp luật từ đầu đến cuối.
Trong ba tháng ông Lưu bị điều tra, giá trị thị trường của JD - đế chế thương mại điện tử số 2 Trung Quốc - mất hơn 30%, chỉ mới tăng trở lại sau khi doanh nhân này được miễn hầu tòa.
Đây được đánh giá là thất bại trong việc đi đến cùng những vụ tấn công tình dục. Trung Quốc năm qua đối mặt làn sóng lớn của phong trào #MeToo, tố cáo hành vi dâm ô của giảng viên đại học, nhân vật truyền thông hàng đầu, lãnh đạo Phật giáo và nhà hoạt động xã hội.
Thanh Tùng
Theo SCMP