Đoàn phim hôm nay quay cảnh diễn viên bị thương chân phải. Hôm sau vẫn quay cảnh ấy, không hiểu sao vết thương lại được tổ hóa trang chuyển sang bên trái. Đạo diễn phát hiện ra, không biết lỗi của ai, cứ lôi thư ký trường quay ra "dũa", bởi đó là một trong những trách nhiệm của họ.
Làm phim ở miền Bắc, thành phần của đoàn rất đơn giản. Trang phục thường do diễn viên tự túc. Họ có cuốn sổ tay tự ghi chú trang phục, trang sức của mình. Thư ký trường quay chỉ có nhiệm vụ ghi số time-code trên băng quay. Vì vậy, nhiều diễn viên vào Nam đóng phim cứ tròn mắt ngạc nhiên khi thấy thư ký trường quay ngược xuôi kiểm tra, nhắc nhở phục trang, ánh sáng, dựng cảnh... với độ tập trung cao.
![]() |
Mỗi cảnh quay đẹp đều có trợ giúp của thư ký trường quay. |
Đến nay, nghề thư ký vẫn được xem là một bức xúc bởi sự bất hợp lý trong chế độ phân công công việc, nhất là khi mức thù lao không thể nuôi sống họ để họ tiếp tục gắn bó với nghề. Những nguời có thâm niên và tâm huyết đang lo lắng không có người kế thừa. Đã quá muộn để làm điều gì đó cứu vẫn cho tình trạng điện ảnh Việt Nam, khi thực tế trong vòng 5 năm tới, sẽ không còn bóng dáng thư ký trường quay, nhất là người giỏi.
Tại các nước có nền điện ảnh phát triển, nghề này được đào tạo chính quy trong trường đại học. Tốt nghiệp, họ thông thạo về quay phim, đạo diễn và nhiều khâu khác. Họ có thể tự làm được một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh.
Ở Việt Nam, hầu hết những người theo nghề này không được đào tạo chính quy, thậm chí nhiều người vào nghề mà không hề có hiểu biết hay liên quan gì đến điện ảnh.
Năm 2001, Đài truyền hình TP HCM tổ chức khóa đào tạo thư ký trường quay ngắn hạn, gồm hai buổi học. Đến nay, còn duy nhất một người còn trụ lại với nghề.
Quá cực, lương bổng lại không bao nhiêu. Tính ra, thu nhập của họ chỉ bằng với một công nhân, trong khi cường độ làm việc như nhau.
Bích Hà kể với Văn Hóa Thông Tin, có lần đi quay Mùa len trâu, xa nhà hai tháng trời, đóng quân giữa cánh đồng ngập nước để quay lũ. Giữa đồng, không có nhà vệ sinh, ban đêm không dám ra ngoài vì vắng vẻ, cô chỉ còn biết ấm ức khóc thầm.
Còn Ngọc Vân thì ngậm ngùi nói: "Có con gái, tôi nhất quyết không cho nó theo nghề này". Mai Trâm, cô gái nhỏ như cây kẹo ưu tư tâm sự: "Làm phim giờ giấc khắc nghiệt, thất thường, về đến nhà chỉ biết lăn ra ngủ lấy lại sức. Tìm một người bạn đã khó, còn ai dám tính chuyện lâu dài với mình".