Kwon Min-kyung (37 tuổi), đang làm việc cho một công ty hóa chất. Cô làm việc chăm chỉ vào các ngày trong tuần nên thường xuyên thấy căng thẳng. Vào cuối tuần, sự mệt mỏi sẽ kéo đến. Khi cảm thấy mệt, Kwon nằm dài cả ngày, nhìn chằm chằm vào điện thoại thông minh dù điều đó cũng chẳng khiến cô khá hơn. Cô thường cố gắng khiến ngày cuối tuần của mình trở nên hiệu quả bằng cách tham dự triển lãm, thử các hoạt động thể thao hay gặp gỡ người mới trong các câu lạc bộ.
Nhưng rồi, Kwon lại cảm thấy mệt hơn vào thứ Hai. "Nỗi căng thẳng và mệt mỏi của tôi liên tục tích tụ mà không được giải tỏa. Nhưng tôi không biết làm sao để nghỉ ngơi đầy đủ", cô nói.
Kwon không phải là người Hàn Quốc duy nhất vật lộn với sự mệt mỏi. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, người Hàn Quốc làm việc 1.928 giờ trong năm 2021, cao hơn nhiều so với mức trung bình 1.500 giờ của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Thời gian đi làm trung bình của người Hàn Quốc là 58 phút, dài hơn gấp đôi so với mức trung bình 28 phút của các nước thành viên OECD.
"Sự siêng năng và chăm chỉ là động lực quan trọng đối với người Hàn Quốc kể từ khi Saemaul Undong (chương trình phát triển nông thôn mới) bắt đầu vào những năm 1970 và suốt quá trình công nghiệp hóa", Ha Ji-Hyun, bác sĩ tâm thần và giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Konkuk, cho biết.
Bác sĩ Ha nói thêm: "Gần đây, sự ác cảm với việc làm lụng quá chăm chỉ và quan tâm đến chuyện nghỉ ngơi đang gia tăng, đặc biệt ở thế hệ MZ, những người không trải qua cảnh nghèo đói. Nhưng nghỉ ngơi vẫn là khái niệm xa lạ với nhiều người Hàn Quốc, họ nghĩ điều đó làm suy yếu khả năng cạnh tranh của họ. Ngay cả vào cuối tuần, họ cố gắng làm điều gì đó hiệu quả và năng suất, đôi khi có thể khiến họ mệt mỏi hơn. Nếu không, họ cảm thấy tội lỗi". MZ là sự kết hợp của hai nhóm - Millennials (sinh năm 1981-1995) và thế hệ Z (sinh năm 1996-2005).
Jeon Hong-jin, phó giáo sư tại Trung tâm Y tế Samsung chuyên về chứng trầm cảm và rối loạn tâm trạng, cho biết điều quan trọng đối với mọi người là tìm được cách thư giãn. "Nếu không tìm ra cách thư giãn, căng thẳng sẽ tích tụ và cuối cùng dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, lo lắng".
Theo ông Jeon, vì mọi người có cách thư giãn yêu thích khác nhau, mỗi người cần tự tìm cách của riêng mình. Ông nói tốt hơn hết là mọi người làm gì đó hoàn toàn không liên quan đến công việc của mình để thư giãn.
Ông viết trong cuốn sách A book for very sensitive people (tạm dịch: Cuốn sách cho người rất nhạy cảm): "Nếu bạn là người nội trợ, tốt hơn không nên làm điều đó ở nhà, nếu là nhân viên văn phòng, đừng làm những gì tương tự công việc hàng ngày trải qua. Hãy sử dụng bộ não và cơ thể theo cách nó không được dùng hàng ngày".
Ví dụ, đối với những người ngồi văn phòng cả ngày, làm các thủ tục giấy tờ, Internet hoặc trò chơi trực tuyến không làm cho họ cảm thấy thư giãn. Thay vào đó, hãy đạp xe khoảng 30 phút. Theo Jeon, hoạt động này thích hợp hơn cho những người thường ngồi một chỗ và sử dụng trí não.
Cuốn The Art of Rest (tạm dịch: Nghệ thuật nghỉ ngơi) của Claudia Hammond đã công bố dữ liệu khảo sát 18.000 người từ 135 quốc gia, theo đó "đọc sách" là việc làm mọi người cảm thấy thư thái nhất. Tiếp theo là dành thời gian với thiên nhiên, ở một mình, nghe nhạc, không làm gì nhiều, đi dạo, tắm, nghĩ về điều tích cực, xem tivi và thực hành chánh niệm.
Tiến sĩ tâm lý học về thần kinh nhận thức David Lewis của Đại học Sussex đã chỉ ra rằng đọc sách sáu phút mỗi ngày có thể làm giảm mức độ căng thẳng đến 68% so với nghe nhạc (61%) hoặc đi bộ (42%).
Đây là những số liệu tham khảo tốt nhưng điều quan trọng vẫn là mỗi người cần tự tìm ra cách nghỉ ngơi phù hợp với mình, ông Jeon nói. Nhiều chuyên gia tâm lý, bao gồm cả ông Jeon, đưa ra lời khuyên nên ngồi thiền để thư giãn và giảm căng thẳng.
Ông Jeon cho biết trong cuốn sách rằng việc tập luyện để giảm bớt căng thẳng sẽ rất hữu ích nếu bạn thường xuyên bị stress, mắc chứng lo âu, mất ngủ và bị rối loạn hoảng sợ.
Bất cứ ai cũng có thể nhanh chóng làm dịu sự căng thẳng của bản thân thông qua việc hít thở, thư giãn cơ bắp. Đầu tiên, bạn hãy ngồi trên một chiếc ghế thoải mái. Một chiếc ghế có tựa lưng và hỗ trợ được phần đầu là tốt hơn cả. Sau đó, hãy nhắm mắt, thả lỏng toàn bộ cơ thể và đặt tay xuống. Thở từ từ bằng bụng. Hít vào bằng bụng dưới và khi thở ra hãy thở từ từ để khí thoát ra mũi. Nếu bạn mở mắt sau khi lặp đi lặp lại động tác này khoảng 30 lần, bạn sẽ cảm thấy thư giãn hơn.
Park Jin-young, nhà nghiên cứu tâm lý tại Đại học Bắc Carolina, cho rằng điều quan trọng hơn việc nghỉ ngơi là đừng làm việc đến khi cơ thể mệt mỏi.
"Chúng ta có xu hướng làm việc một cách vô thức đến khi cơ thể kiệt sức dù đã đạt được mục tiêu trong ngày. Cần kiểm tra lại xem bạn có tự thúc ép mình quá theo thói quen này không", ông cho hay.
Hằng Trần (Theo Korea Herald)