Hôm qua là hạn chót Bộ Tài chính lấy ý kiến tổng hợp của các bộ, ngành về việc xây dựng phương án thay đổi các mức thuế đối với nhiều mặt hàng nằm trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để thực hiện cam kết WTO.
Theo quy định hiện hành, chỉ có hàng dệt may từ EU, Mỹ, Australia được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng dệt may.
Thực hiện cam kết, mức thuế suất trên sẽ được áp dụng cho tất cả các nước theo nguyên tắc MFN (nhóm hàng xơ, sợi thuế suất giảm từ 20% xuống 5%; nhóm hàng vải thuế suất giảm từ 40% xuống 12%; nhóm hàng quần áo và đồ may sẵn thuế suất giảm từ 50% xuống 20%).
Với sự điều chỉnh về thuế suất nêu trên, ngành dệt may sẽ chịu ảnh huởng lớn nhất do mức thuế suất giảm mạnh và phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa từ các nước có thế mạnh về hàng dệt may như: Trung Quốc, Hàn Quốc...
Số thu ngân sách từ dệt may khi thực hiện cam kết ước giảm khoảng 2.000 tỷ đồng. Hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với thuốc lá điếu và xì gà là 100% và thuộc diện cấm nhập khẩu.
Để hạn chế nhập khẩu mặt hàng này khi phải bãi bỏ quy định cấm nhập, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất thuế nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà lên 150% bằng với mức cam kết trần tại thời điểm gia nhập.
Nếu thị trường có biến động, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp điều chỉnh thuế suất để ổn định thị trường trong nước và cân đối quyền lợi giữa người sản xuất và nguời tiêu dùng.
Theo Nghị định thư gia nhập WTO, trong toàn bộ biểu cam kết, gồm 10.689 dòng thuế, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế với khoảng 3.800 dòng thuế (chiếm 35,5% số dòng của biểu thuế); ràng buộc ở mức thuế hiện hành với khoảng 3.700 dòng (chiếm 34,5% số dòng của biểu thuế); ràng buộc theo mức thuế trần - cao hơn mức thuế suất hiện hành với 3.170 dòng thuế (chiếm 30% số dòng của biểu thuế), chủ yếu là đối với các nhóm hàng như xăng dầu, kim loại, hóa chất, một số phương tiện vận tải chuyên dùng.
(Theo Tiền Phong)