Nhiều người - từ các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà văn, cho đến các nhà sư Phật giáo - đã thúc giục Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ân xá cho "thái tử Samsung" Lee Jae-yong, người đang ngồi tù vì tội hối lộ. Theo những người này, nền kinh tế của đất nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu công nghệ của Samsung. Họ lo ngại việc Lee bị bỏ tù có thể ảnh hưởng đến tốc độ và sự quyết đoán của tập đoàn này, cản trở khả năng cạnh tranh của Samsung trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.
Ngoài ra, hàng trăm công ty Mỹ, thông qua Phòng Thương mại Mỹ tại Hàn Quốc, cũng kiến nghị Tổng thống Moon Jae-in ân xá cho Lee Jae-yong. Những doanh nghiệp này cho rằng Lee có vai trò thúc đẩy nỗ lực của Tổng thống Joe Biden để thay đổi sự phụ thuộc của Mỹ vào các loại chip máy tính được sản xuất ở nước ngoài.
"Chúng tôi tin rằng việc ân xá cho lãnh đạo quan trọng nhất của Samsung là lợi ích kinh tế tốt nhất của Mỹ và Hàn Quốc", ông James Kim - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Hàn Quốc - nói.

Đám đông tham gia vào cuộc biểu tình kêu gọi ân xá cho Lee Jae-yong ở huyện Uiryeong, tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc hôm 12/5. Ảnh: AP.
Lee Jae-yong, con trai duy nhất của cố Chủ tịch Samsung Lee, bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Seoul sau khi bị Tòa án Cấp cao Seoul tuyên phạt 30 tháng tù giam vì tội hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. Lee hiện là cổ đông lớn nhất của Samsung C&T, công ty nắm giữ phần lớn quyền kiểm soát tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc này. Tuy nhiên, ông chỉ có thể điều hành công việc kinh doanh của Samsung từ sau song sắt nhà tù, thông qua các chuyến thăm của các giám đốc điều hành công ty.
Giới quan sát nhận định việc Lee bị giam giữ khiến Samsung có khoảng trống quyền lực lớn, ảnh hưởng lớn đến nhà sản xuất chip nhớ, smartphone và thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới. Đặc biệt, hiện nay đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng lớn đến mảng thiết bị di động và chất bán dẫn.
Văn phòng Tổng thống Moon cho biết ông sẽ xem xét cả sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường chất bán dẫn và đánh giá của công chúng về sự công bằng, trước khi quyết định có ân xá cho Lee hay không.
Lee hiện đã ở tù được gần 4 tháng và mãn hạn tù vào tháng 7/2022. Có nhiều thông tin cho rằng Tổng thống Moon có thể trả tự do cho người thừa kế Samsung vào ngày Lễ Phật đản (26/5) tới.

"Thái tử Samsung" Lee Jae-yong, người nắm giữ vị trí Phó chủ tịch tập đoàn. Ảnh: Reuters.
Dù lãnh đạo cao cấp nhất tập đoàn vướng vòng lao lý, Samsung báo cáo kết quả kinh doanh tốt. Công ty đã công bố lợi nhuận hoạt động tăng gần 50% và doanh thu 58 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay trong ba tháng đầu năm. Nhu cầu về chip nhớ, TV và các sản phẩm khác đã tăng cao khi đại dịch buộc hàng triệu người phải ở nhà. Điện thoại thông minh và máy tính bảng Galaxy kiểu dáng thời thượng của Samsung là đối thủ cạnh tranh lớn nhất đối với iPhone và iPad của Apple.
Đây không phải lần đầu tiên các lãnh đạo doanh nghiệp tại Hàn Quốc được kêu gọi ân xá. Trong nhiều thập kỷ, người đứng đầu các tập đoàn gia đình quyền lực nhất Hàn Quốc đã tránh được việc ngồi tù hoặc được giảm án tù. Năm 2015, Chey Tae-wonn, chủ tịch SK Group, tập đoàn lớn thứ 3 Hàn Quốc cũng được ân xá bởi Tổng thống đương nhiệm khi đó.
Sơn Nam (Theo AP)