Khảo sát mới nhất của Meiji Yasuda, lấy ý kiến của 1.100 phụ huynh có con dưới 6 tuổi, cho thấy 41,2% trong số họ nói "không muốn có thêm con nữa". Đây là mức tăng đáng kể so với mức 35,4% của năm ngoái và là con số kỷ lục từ khi cuộc khảo sát lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2018.
Khi những người nói rằng họ "không muốn có thêm con nữa" được hỏi về lý do, phần lớn đều chỉ ra những lo lắng về tài chính. Trong số này, 46,6% cho biết họ "lo ngại về thu nhập trong tương lai", trong khi những người khác nói họ "lo lắng về chi phí cuộc sống ngày càng tăng". Một số người cho biết họ sẽ ngừng sinh con do "lo lắng về tuổi tác".

Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đang ngày càng giảm giữa bối cảnh khó khăn về kinh tế. Ảnh: Unsplash
Nhật Bản những năm gần đây đã cố khuyến khích người dân sinh thêm con với các hứa hẹn về tiền thưởng và phúc lợi tốt hơn, nhưng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở quốc gia này vẫn thuộc top tốn kém bậc nhất trên thế giới.
Theo ước tính chính thức, năm ngoái lần đầu tiên tỷ lệ sinh của Nhật Bản giảm dưới 1,25/phụ nữ, tức dưới 800.000 ca sinh một năm. Điều này xảy ra sớm hơn 8 năm so với dự đoán của chính phủ. Trong 16 năm liên tiếp, dân số hơn 125 triệu người của Nhật Bản liên tục giảm và dự kiến sẽ giảm xuống còn 87 triệu vào năm 2070.
Đầu năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói rằng cần phải thực hiện các bước khẩn cấp để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh đang giảm ở Nhật Bản, một trong những xã hội lâu đời bậc nhất thế giới.
Trong nỗ lực đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm, ông Kishida đã ưu tiên hỗ trợ trẻ em và gia đình chúng. Nikkei Asia đưa tin chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 35,2 tỷ USD từ ngân sách tài khóa 2023 cho một cơ quan mới dành riêng cho trẻ em và gia đình các em.
Đầu năm nay, Masako Mori, một cố vấn cấp cao của ông Kishida, nhận xét rằng Nhật Bản sẽ "biến mất" nếu nước này không có hành động nhằm hạn chế tỷ lệ sinh đang chậm lại. Bà cho biết tỷ lệ sinh của đất nước "không giảm dần mà đang đi xuống dốc".
"Một sự lao dốc về tỷ lệ sinh có nghĩa là những đứa trẻ sinh ra bây giờ sẽ bị ném vào một xã hội trở nên méo mó, co rút và mất khả năng hoạt động", bà nói.
Hướng Dương (Theo Independent)