TP HCM có 13 khu chế xuất - khu công nghiệp, tập trung hơn 140.000 công nhân. Khi hình thành những khu này với các cơ sở hạ tầng, người ta mới sực nhớ rằng đã quên không quy hoạch và xây dựng các khu nhà trọ cũng như các dịch vụ khác phục vụ công nhân. Một trong những nhu cầu thiết thân ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của công nhân là cái chợ để mua sắm, phục vụ cho bữa ăn hằng ngày cũng bị quên nốt.
Chợ tự phát ở khu chế xuất Linh Trung II. |
Quầy bán hàng chỉ là miếng ni-lông trải vội trên mặt đất, trên đó được bày đủ thứ, từ chiếc lược chải đầu đến quần áo cũ. Quầy sang hơn thì có chiếc dù, bên dưới treo những chiếc móc quần áo để khách chọn, cách bày biện này để chủ hàng vọt chạy cho nhanh nếu có công an đến. Chị Thủy Tiên, công nhân Công ty Điện tử DID, khu chế xuất Linh Trung II, nói: “Đi siêu thị thì không đủ khả năng, biết hàng dạt nhưng tụi này chấp nhận vì tiền nào của nấy mà”.
Các chợ quanh khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân thường được gọi là chợ “mò”, thậm chí còn gọi là chợ “âm phủ” bởi bóng tối bao trùm ở những khu chợ này. Chợ họp vào chiều tối ngay tầm tan ca. Khi bóng đêm trùm xuống, hàng trăm đốm sáng nhỏ li ti từ ngọn nến, đèn dầu, đuốc nhỏ được thắp lên. Giữa một vùng tối tăm, đèn đường không tới được đã xuất hiện các sạp hàng tạm bợ bằng phên nứa, bao bạt rách, hàng hóa với đủ các loại rau củ héo, cá thịt đã có mùi... Chợ họp đến tận khuya, trong bóng đêm với ánh đèn dầu chập choạng, những công nhân nhập cư lặng lẽ ghé chợ rồi âm thầm trở về các khu nhà trọ với một ít đồ mua được để ăn cho qua bữa tối.
Chị Ngọc Thanh, bán hàng cá gần cổng Công ty Pou Yuen, cho biết trước đây chị làm việc tại Công ty Nguyên Phát, khu cônng nghiệp Tân Tạo nhưng lương “hẻo” quá lại làm tăng ca liên tục nên đã để dành ít vốn ra bán hàng. Chỗ chị Thanh bán gần Công ty Pou Yuen với 50.000 công nhân nên ít sợ bị ế. Tuy nhiên, bán cho đối tượng này lời ít, mỗi tối chị kiếm khoảng 20.000 đồng. Theo chị, dẫu sao công việc cũng đỡ vất vả hơn làm công nhân và cũng có thời gian làm việc khác.
Chợ liên quan mật thiết đến đời sống của công nhân. Khó có thể mong muốn một đội ngũ công nhân chuyên nghiệp, có tác phong hiện đại, tâm huyết với nghề khi nơi ăn, chốn ở của họ chưa được quan tâm đúng mức. Tại tỉnh Bình Dương có chợ Thuận Giao do tư nhân đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sống hằng ngày cho hàng chục nghìn công nhân tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, khu công nghiệp Việt Hương và các công ty lân cận. Chợ được đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng trên diện tích 1.000 m2, có trên 400 sạp từ 6 đến 20 m2. Nhiều công nhân cho Người Lao Động biết, giá cả tại đây chấp nhận được, nhưng cái được nhất là sạch sẽ, ngăn nắp hơn nhiều lần so với chợ “chồm hổm”.