Bé Mia sinh ngày 22/11/2013 có thể coi là em bé đầu tiên tại Việt Nam được mẹ ấp da-tiếp-da (skin to skin) ngay sau khi sinh mổ - việc này được bác sĩ khuyến cáo nên cẩn trọng nhưng với mẹ Huyền Nguyễn (TP HCM), cô không muốn bỏ qua điều tuyệt vời. Cô đã chia sẻ với Ngoisao.net về "nhật ký sinh mổ' với niềm xúc động và hạnh phúc khi lần đầu làm mẹ.
Ngày sinh con là ngày tuyệt vời nhất
Huyền Nguyễn chia sẻ: "Ngày 22/11/2013 có lẽ là ngày đẹp nhất trong cuộc đời vợ chồng mình. Đúng 5 giờ sáng, chồng gọi mình dậy, làm đồ ăn sáng cho mình là một bát súp bò hầm để bổ máu. Mình sinh tại bệnh viện quốc tế nên không phải đem theo đồ đạc gì. Thứ duy nhất mình cầm theo và ôm khư khư chính là năm hũ sữa non mà mình đã hì hụi vắt ra từ trước và sữa của bác bé Mia. Mình muốn con được ăn sữa mẹ ngay từ lúc sinh ra.
Trên đường đến bệnh viện, mình cứ ôm lấy cái bụng tròn, ấp ủ và thì thầm với con, mong mọi điều may mắn sẽ đến. Đến bệnh viện, làm thủ tục xong xuôi, mình dặn ông xã ra ngoài gặp các cô trong phòng dưỡng nhi và ekip mổ luôn, xin cho con được da-tiếp-da và bú mẹ trong một giờ đầu sau sinh. Vì mình bị hở van tim, rối loạn dẫn truyền tim nên ngay từ đầu đã chọn sinh mổ chủ động để sau sinh, mình vẫn tỉnh táo để nhìn thấy con, để skin to skin với con. Dự định là như vậy nhưng trước giờ, những người sinh mổ đều không được da-tiếp-da ngay sau phẫu thuật nên mình cũng trữ sẵn sữa non cho con.
Mình vẫn nhớ như in lúc ông xã quay về với ánh mắt hân hoan: "Ổn hết rồi vợ ạ, em sẽ được da-tiếp-da với con ngay khi con ra và làm vệ sinh xong". Nghe vậy, mình mới thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ mình may mắn vì được các bác sĩ hỗ trợ nhưng may mắn hơn là có một người chồng tuyệt vời. Sau này, trong quá trình mổ, mình mới biết, chồng đã thuyết phục và truyền cảm hứng cho y tá, hộ sinh, ekip bác sĩ như thế nào...
Mọi người vừa mổ vừa nói chuyện với nhau về skin to skin, rồi bác sĩ gây tê còn hỏi mình đã xem video Em bé tìm vú mẹ chưa nữa... Tất cả các thành viên trong ekip mổ bàn nhau cách phối hợp nhịp nhàng nhất để chuẩn bị cho mình được da-tiếp-da với con. Các bác sĩ cũng giải thích là vì sinh mổ nên diện tích hạn hẹp, sẽ phải tháo dây theo dõi nhịp tim của mẹ ra để cho con nằm ngang lên ngực mẹ… Khó khăn hơn các mẹ sinh thường một chút nhưng mình cũng đồng ý luôn.
13h30 mình được đẩy vào phòng mổ, chồng đi cùng mình và đến 14h thì bác sĩ bắt đầu gây tê màng cứng. Mình sợ vụ này lắm vì cứ hay được nghe kể là chích vào cột sống đau lắm. Nhưng thực tế không như vậy, chỉ nhột nhột một chút thôi. Sau 10 giây là mình được xoay người lại, cả ekip đếm ngược, rồi bác sĩ gây tê đặt tay chồng vào tay mình, bảo "hand in hand" nhé.
Lúc đó, chân mình tê cứng, không có cảm giác gì cả, cũng không biết bác sĩ đã mổ chưa nhưng chỉ 5 phút sau đó, mình nghe tiếng khóc của con. Con được đẩy nhanh ra bàn làm vệ sinh, còn mình được bác sĩ rút dây điện tâm đồ ra khỏi ngực, sẵn sàng để hai mẹ con da-tiếp-da. Sau đó, cô ý tá bế con ra, đặt con nằm lên người mình. Dù chỉ 5 phút thôi nhưng giây phúc đó khiến mình xúc động vô cùng. Rồi bé được bế ra sưởi ấm và bác sĩ tiếp tục khâu vết mổ cho mình, dán keo sinh lý để vết thương không bị đau.
Khi trở về phòng hồi sức, y tá lại bế con vào với mình, đặt con lên người mình để con tự tìm và mút ti. Cô y tá cũng hỗ trợ mình massage để sữa về. Con mút chùn chụt, cái miệng bé tí teo yêu lắm! Thực sự lúc này mình mới cảm nhận được hết tình mẫu tử thiêng liêng. Mình cảm thấy có thể làm tất cả cho con, quên đi mọi đau đớn. Mình ôm con được gần một tiếng thì huyết áp tăng cao. Mình phải nằm nghỉ, bé được ba cho mút sữa non mà mình vắt sẵn trước đó bằng ngón tay (finger-feeding) và ống tiêm. Mình không cho con ti bình sớm vì sẽ bị sai khớp ngậm.
Điều mình làm được ngoài sự mong đợi. Vì hai mẹ con được ở gần nhau, con ti mẹ sớm nên sữa cũng về rất nhanh. Ngay ngày hôm sau, sữa mẹ đã có nhiều và đủ cho con bú, đến ngày thứ ba thì chảy ròng ròng, ướt cả áo. Ai cũng khen gia đình mình giỏi, bác sĩ còn đem chuyện của mình kể cho cả tầng nghe".
Sữa mẹ - Liều thuốc tuyệt vời
Sang ngày thứ tư, bé Mia được chẩn đoán là vàng da 18 độ (20 độ là phải thay máu). Khó khăn tiếp tục đến với mẹ Huyền Nguyễn và ba Thành. "Vợ chồng mình hoang mang và lo lắng lắm. Mình thấy người ta mang con đi chiếu đèn mà mình khóc hoài. Cứ hai tiếng một lần, mình lại đi cho con bú, dù còn đau nhưng vẫn cố đi bộ đến phòng chiếu đèn. Lần nào thấy con nằm một mình trong khay, lòng mình như thắt lại, khóc mà phải giấu vì sợ chồng lo lắng, xót xa. Các cô y tá khuyên mình cho con bú thật nhiều, gấp đôi bình thường và 100% sữa mẹ thì con sẽ nhanh hết vàng da. Và quả thật, điều kỳ diệu đã đến. Ngày thứ năm, sau 72 giờ vàng con được bú sữa non của mẹ đã thải hết phân su, mức vàng da của con giảm từ 18 (khá cao) xuống thành 8 (bình thường). Hai mẹ con được xuất viện ngay sau đó.
Bây giờ Mia đã hơn một tuổi nhưng mình vẫn không thể quên được hành trình sinh con nhiều cảm xúc. Có những điều dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng mình vẫn không thể tưởng tượng được. Mình nghĩ ra có con là do duyên số trời cho nhưng nuôi con như thế nào thì bản thân người mẹ hoàn toàn có thể học hỏi để chủ động được, đừng quan niệm "trời sinh voi, sinh cỏ".
Hành trình sinh con sao mà hạnh phúc và suôn sẻ vậy. Gia đình mình vô cùng cảm ơn chuyên gia sữa mẹ đã đồng hành cùng mẹ con mình trong suốt 9 tháng 10 ngày, cung cấp tài liệu, trên mạng cũng như thực tế để bổ sung kiến thức cho mình và ba Nguyễn Thanh… Khi nào con lớn, mình sẽ ẵm con đi cảm ơn tất cả mọi người, vì không có các cô các bác tận tâm thì dù bố mẹ có yêu thương con thế nào cũng không thể cho con sự khởi đầu hoàn hảo này".
Song Giang