Chính phủ và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bắt đầu tiến hành thảo luận sau khi họ hàng và những người thân cận đã tổ chức tang lễ cho cựu Thủ tướng Shinzo Abe hôm 12/7. Ông bị bắn chết hôm 8/7 khi đang thực hiện bài phát biểu vận động trước cuộc bầu cử Thượng viện, diễn ra hôm 10/7.
Cân nhắc đến khoảng thời gian 8 năm 8 tháng mà ông Abe từng phục vụ trong vai trò người lãnh đạo của đất nước, cũng là thời gian tại nhiệm dài nhất trong lịch sử Nhật Bản, một số thành viên Đảng LDP kêu gọi tiến hành tang lễ cấp nhà nước cho ông.
"Cựu Thủ tướng đã đạt được rất nhiều thành tựu lớn", Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno, phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 12/7. "Chúng ta nên cân nhắc đến cách ứng phó khi bày tỏ lòng kính trọng tới ông. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định gì. Chúng tôi sẽ bàn luận về việc tổ chức tang lễ dựa trên các trường hợp trong quá khứ và nguyện vọng của gia quyến", Matsuno nói.
Theo các nguồn tin chính phủ, sự kiện tưởng niệm này có thể diễn ra vào mùa thu và sẽ mang đến cho Nhật Bản cơ hội thực hiện "ngoại giao tang lễ". Một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã công bố kế hoạch cử phái đoàn đến tham dự. Thủ tướng Fumio Kishida hy vọng nhân cơ hội này quảng bá cho sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa mà cựu Thủ tướng Abe khởi xướng.
Sáng 13/7, ông Kishida có cuộc điện đàm với người đồng cấp Canada - Thủ tướng Justin Trudeau, trong đó ông Trudeau ca ngợi ông Abe là "nhà lãnh đạo tận tụy và có tầm nhìn".
Các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng gọi điện gửi lời chia buồn tới Kishida, mở đầu là Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/7.
"Việc đó cho thấy ông Abe đã xây dựng được mối quan hệ thân thiện với lãnh đạo các nước khác ra sao", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Trong cuộc điện đàm hôm 12/7, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nói với Kishida rằng chính phủ của ông sẽ cử đại diện đến khi một sự kiện tưởng niệm chính thức được tổ chức.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng quyết định sẽ cử phái đoàn tới Nhật Bản, gồm Thủ tướng Han Duck-soo và Phó Chủ tịch Quốc hội Chung Jin-suk. Trao đổi ngoại giao chính thức giữa lãnh đạo hai nước đã bị tạm dừng do các vấn đề song phương như vấn đề lao động thời chiến. Phái đoàn có thể là cơ hội để thúc đẩy đối thoại giữa Tokyo và Seoul.
Trước đó, phái đoàn từ hơn 80 quốc gia và khu vực, bao gồm Tổng thống đương nhiệm của Mỹ và Hàn Quốc, đến Nhật Bản để tham dự sự kiện tiễn biệt chung của Nội các Nhật Bản và dân Dân chủ Tự do (LDP) tổ chức cho cựu Thủ tướng Keizo Obuchi - người qua đời sau cơn đột quỵ hồi tháng 4/2020.
"Do ông Abe đã đảm nhận vai trò Thủ tướng một thời gian dài, lãnh đạo các quốc gia và những người đồng cấp nhiều khả năng sẽ đến", một quan chức khác của Bộ Ngoại giao nói. Bộ có kế hoạch sớm bắt đầu công tác chuẩn bị để đón tiếp họ.
Trong lịch sử thời hậu chiến của Nhật Bản, chính phủ đã tham gia vào việc tổ chức đám tang của các cựu thủ tướng. Tuy nhiên, tang lễ cấp nhà nước cho một cựu thủ tướng mới chỉ được tổ chức một lần cho Shigeru Yoshida - người ký hiệp ước hòa bình San Francisco.
Đám tang cựu Thủ tướng Masayoshi Ohira, người qua đời năm 1980, được Nội các và Đảng LDP tổ chức chung. Từ đó, lễ tang của những cựu thủ tướng khác cũng được thực hiện theo hình thức này.
Tuy nhiên, một số thành viên LDP hiện kêu gọi tổ chức tang lễ cấp nhà nước cho ông Abe, sau khi cân nhắc những thành tựu của ông và việc ông bị bắn khi đang phát biểu là chưa từng có trong tiền lệ.
Hakubun Shimomura, người đứng đầu Hội đồng Chính sách của LDP, nhấn mạnh trong một chương trình truyền hình hôm 10/7: "Ông Abe đã đạt được những thành tựu lịch sử xứng đáng được tổ chức lễ tang cấp nhà nước".
Hiện có nhiều luồng ý kiến trên mạng xã hội về tang lễ của ông Abe. Một quan chức chính phủ lưu ý rằng quyết định sẽ được đưa ra với sự cân nhắc kỹ lưỡng về tình cảm của công chúng, cho biết thêm các cuộc thảo luận liên quan nên được tiến hành sau khi tình hình đã dịu xuống một mức độ nhất định. Một nguồn thạo tin thì nói rằng tang lễ dự kiến được Nội các và LDP tổ chức chung để tránh gây tranh cãi.
Hướng Dương (Theo Japan Times)