Nhạc sĩ Quốc Trường sinh ngày 27/12/1952 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Mẹ là NSND Châu Loan, nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng một thời. Bà sinh được 5 người con, Quốc Trường là con thứ. Tuổi thơ của Quốc Trường hay theo mẹ tới Đài tiếng nói Việt Nam nên sớm có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc và được cụ Ngô Văn Sợi, lão nghệ sĩ kèn Trompette của Dàn nhạc Đài tiếng nói Việt Nam phát hiện và kèm cặp tại lớp thể nghiệm của Dàn nhạc Đài tiếng nói Việt Nam vào năm 1968.
Năm 1970, Quốc Trường đã là thành viên chính thức của Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong 16 năm làm việc bên cạnh các nghệ sĩ bậc thầy, Quốc Trường đã tiếp thu được nhiều kiến thức âm nhạc. Với bản chất hiếu học, cần cù, chẳng bao lâu sau Quốc Trường trở thành cây Trompette nắm giữ bè một của dàn nhạc. Những năm sau đó, trên khấu ca nhạc thủ đô, Quốc Trường xuất hiện như một cây nhạc cụ tiên phong trong trào lưu nhạc nhẹ, một loại hình âm nhạc còn rất mới mẻ ở thập niên 80 thế kỷ trước.
Nhạc sĩ Quốc Trường. |
Cũng từ sự đam mê loại hình âm nhạc này, năm 1987 Quốc Trường chuyển về làm việc tại Đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương. Từ một nhạc công, ông đã trở thành nhạc trưởng, rồi Trưởng phòng Nghệ thuật của Đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương. Quốc Trường còn nổi lên như một nhà phối khí dàn nhạc hàng đầu. Quốc Trường thiên về âm giai giọng trưởng mà vẫn đầy chất lãng mạn. Những chủ đề âm nhạc làm cầu dẫn cho các ca khúc của Quốc Trường đã làm bừng dậy sự hứng khởi cho ca sĩ. Cách phối khí cho dàn nhạc của Quốc Trường cũng lạ thường, cách sử dụng vòng hoà thanh phát triển rộng, sáng tạo trong phức điệu viết cho dàn nhạc làm các mảng màu trong phối khí của Quốc Trường thật hấp dẫn, đa dạng. Ngoài ra, trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ông còn để lại những ca khúc khá nổi tiếng như "Hà Nội những công trình", được đưa vào top 1000 năm Thăng Long, "Vinh quang tuổi trẻ Việt Nam", "Hát cho mùa xuân tương lai", "Những phút giây qua", "Hoàng hôn" mà ta thấy xuất hiện trên Sao mai điểm hẹn… Trong suốt hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã đóng góp có hiệu quả tại Dàn nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, Dàn nhạc Đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương, ông còn tham gia các dàn nhạc lớn khác như Dàn nhạc Liên đoàn xiếc Việt Nam, Dàn nhạc Jazz Quyền Văn Minh, Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch Việt Nam… Ông còn là giảng viên tại Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, Cung thiếu nhi Hà Nội…
Ông được trao nhiều giải thưởng âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hoá Thông tin, các giải vàng cho cá nhân, và giải vàng với tư cách là người xây dựng các chương trình âm nhạc lớn… Ông vừa hoàn thành xuất sắc chương trình âm nhạc của Nhà hát ca nhạc nhẹ Trung ương chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, chương trình chào mừng hội nghị ASEAM, chương trình ca nhạc chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, chương trình chào mừng xuân Tân Mão 2011 đang gấp rút hoàn thành thì buổi chiều oan nghiệt ấy, trong cái rét tê tái của mùa đông Hà Nội, Quốc Trường đã đột quỵ, để lại biết bao công việc còn dang dở và cũng chưa kịp dặn vợ con trước cái tết đang đến thật gần.
Hà Nội hôm nay như lạnh thêm, những cơn gió khắc khoải từ Hồ Gươm cứ hút về phố Bà Triệu, nơi ấy hôm nay đã vắng bóng người nhạc sĩ thân thiết. Mùa đông như hắt hiu thêm đưa tiễn nhạc sĩ Quốc Trường về nơi vĩnh hằng.
My Tử