![]() |
Nhà cựu vô địch cử tạ nữ nhổ râu. |
Giọng khàn, bắp chân mọc đầy lông, kinh nguyệt thất thường, khi thì 15 ngày/lần, khi thì nửa năm không thấy, chị không có thai dù lấy chồng đã lâu.
Ngày 15/3, tại một nhà tắm công cộng ở Trường Xuân, Trung Quốc, một bà khách ngớ người ra: “Chẳng phải chị là vô địch cử tạ toàn quốc Quách Xuân Lan đó sao? Nhà vô địch toàn quốc mà đi kỳ cọ cho khách ư?”.
Người nhân viên ngượng ngùng dừng tay rồi ngồi nép vào góc phòng. Tin có nhà vô địch cử tạ phải đi kỳ lưng cho khách tắm lan đi, các nhà báo đến tìm hiểu thì được biết: người ấy đúng là Quách Xuân Lan. Mười mấy năm trước, chị từng là vô địch quốc gia môn cử tạ nữ, từng phá kỷ lục quốc gia và kỷ lục thế giới gây xôn xao dư luận.
Quách Xuân Lan và chồng đến Trường Xuân từ một năm trước, hiện họ ở trong căn phòng chưa đầy 5m2. Ngoài giường, mấy chiếc ghế đôn chiếm gần hết diện tích còn lại, trên ghế là chiếc tivi nhỏ và một túi trứng.
“Ăn cơm không mãi với rau chịu không nổi, đành cố mua mấy quả trứng về chiên ăn cho đỡ mệt”. Trên chiếc bàn mặt tròn nhỏ là 14 chiếc huy chương các loại, trong đó có 4 HC vàng.
“Còn mấy chiếc đẹp nữa bị người nhà lấy mất rồi, những chiếc huy chương này từng là niềm tự hào của tôi, giờ đây chúng là một ký ức đau buồn”.
Trong khoảng thời gian từ 1987 đến 1993, Quách Xuân Lan liên tục làm mưa làm gió trên vũ đài cử tạ ở hai hạng 44 kg rồi 48 kg. Cuối năm 1993, chị nghỉ thi đấu, ngậm ngùi cầm hồ sơ rời đội tuyển với văn hoá lớp 3.
Một người cùng làm với Quách Xuân Lan kể, nhà tắm này do một vận động viên là đồng hương của chị mở, thấy vợ chồng chị khổ quá đã nhận chị vào làm được một năm nay. Kỳ lưng cho mỗi khách được trả 5 tệ (10 nghìn đồng), Quách Xuân Lan được 1,5 tệ, mỗi tháng chị kiếm được chỉ không quá 500 tệ.
Sinh năm 1971, khi 14 tuổi, Xuân Lan được coi là mầm non thể thao triển vọng môn cử tạ. Tháng 10/1989, chị được chính thức biên chế vào đội Thể Công 1 tỉnh Cát Lâm. Năm 1993, chị chuyển sang làm tạp công ở nhà ăn của đội 3 năm khi thì nặn bánh, khi thì quét dọn, nhưng sau đó công việc này cũng mất, chị phải nghỉ chờ việc với mức lương 360 tệ/tháng. Đến tháng 3/2000, đội Thể Công gọi chị lên đưa chị 8 vạn tệ nói đó là tiền lương thôi việc và tiền chữa bệnh “nam hoá” mà chị mắc phải.
Phóng viên “Tân Kinh báo” đã điều tra và phát hiện thấy trường hợp giống như Quách Xuân Lan không phải là hiếm. Cựu tuyển thủ cử tạ Phan Lệ kể, năm 1996 cô vào huấn luyện tại đội cử tạ Cát Lâm khi mới 16 tuổi, HLV là ông Vương. Mới đầu, thành tích của Phan Lệ không tốt, về sau cô được cho uống “Đại Lực bổ” thì thành tích tăng lên rất nhanh.
Năm 1998, khi tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8, cô giành HC đồng hạng 76 kg nhưng sau đó phải nghỉ thi đấu do bị phát hiện dùng doping. Sau khi về nhà, cô phải uống thuốc điều chỉnh 2 năm mới cơ bản trở lại bình thường.
Năm 2000, cô kết hôn, cô không dám nghĩ đến chuyện sinh con, mãi 3 năm sau mới có thai và sinh được con gái. Một trường hợp nữa là Lưu Kiều. Năm 1994, cô được tuyển vào đội cử tạ khi mới 14 tuổi. Khi thấy đồng đội uống thuốc đều thay đổi giọng nói và mất kinh, cô rất sợ hãi nên lén vứt thuốc đi.
Thành tích của cô kém, lại hay ốm đau nên năm 1998 thì ra khỏi đội. Do chả có nghề gì nên cho đến nay Lưu Kiều vẫn không tìm được việc làm cố định.
Việc những vụ sử dụng doping này bị phanh phui trên báo chí chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của thể thao Trung Quốc.
(Theo Tiền Phong)