Gào
Các em gái em trai thân mến, đừng để bị truyền thông lừa dối mà bỏ học giữa chừng. Họ thích tung hô hoa mỹ, và những người họ viết về chắc cũng đang thích mình được miêu tả hoa mỹ tung hô nên toàn đưa ra những khẩu hiệu sai thực tế. Giống như ngày trước khi được phỏng vấn vì sao bỏ học chị không hề trả lời rằng chị thế này thế nọ, đơn giản vì lúc đó chán học và chẳng đủ kiên trì, thêm hoàn cảnh gia đình khi ấy, thì cảm thấy mình nên đi làm để đỡ gánh nặng cho cha mẹ thôi. Đó là những lý do rất đời, rất nhạt nhẽo. Nhưng báo chí tô vẽ béo, gầy làm cho sự việc bỏ học này đầy can đảm.
Còn đây là tâm sự chân thành của chị, dành cho các em đang còn đi học. Một câu nói thật lòng, nếu có thể học tiếp, chị rất muốn học.
Học không có gì là lãng phí thời gian. Nó là điều cần thiết. Là chuẩn bị hành trang tốt cho các em bước vào đời. Học chỉ trở nên thừa khi các em cho rằng mình có học nên hơn người, mà tỏ vẻ kênh kiệu, hỗn láo, coi thường người khác và sống ảo mà thôi. Người ta gọi loại người đó là có học vẫn ngu, chữ vào bao nhiêu, rớt ra bấy nhiêu, học cũng bằng thừa! Bằng cấp không phải là thứ trang sức, kiến thức thực sự mới là thứ ta cần.
Nếu có điều kiện học thì cứ tiếp tục việc học. Nhưng nếu trong một hoàn cảnh nào đó bắt buộc phải bỏ dở việc học hành, thì cũng đừng nên chán nản, hãy nghĩ lạc quan rằng cuộc đời sẽ có rất nhiều cơ hội cho bản thân mình.
Còn cả mấy bạn bỏ học giữa chừng (giống như mình nữa ), muốn người có học họ không coi thường chúng ta, thì trước tiên cũng đừng coi thường công sức, thành quả mà họ đã và đang làm. Chúng ta đi làm, họ đi học. Chúng ta không kiên trì học, còn họ thì có. Nếu chẳng may chúng ta bị họ đánh giá thấp, bị họ coi khinh vì "ít học", cũng không nhất thiết phải đốp chát làm gì. Văn hoá cư xử của mỗi người không dựa trên thành tích học tập xuất sắc hay yếu kém, mà dựa trên phản ứng của họ trước từng tình huống, mỗi sự kiện.
Ảnh: Facebook Gào. |
Chị từng gồng mình lên đốp chát lại những người tỏ ra khinh bỉ chị, coi thường chị vì chị không có học hết đại học. Bố mẹ chị đôi khi vẫn xót con bị người khác dè bỉu, mà giục giã chị từ bỏ mọi thứ để học lại từ đầu. Sau này, khi đã đủ chín chắn và trưởng thành hơn một chút, chị cảm thấy việc gồng mình đối chọi với những người xem thường mình là việc không cần thiết. Bởi vì đối thoại là bình đẳng. Một khi họ đã đặt mình dưới họ trong cuộc tranh luận, thì mình không nhất thiết phải tiếp tục giãi bày.
Đơn giản, sống ở đời, đặt mình vào vị trí người khác, suy nghĩ thấu đáo hoàn cảnh của mình, của họ, để có được kết luận khách quan và trung thực. Việc này nói ngắn gọn chỉ trong một hay câu, nhưng khi làm thì đâu có dễ?
Quay trở lại vấn đề vì sao có nhiều người bỏ học vẫn thành công?
Thực ra số người thành công không nhiều hơn số người thất bại và chật vật với cuộc sống khó khăn này. Nhưng vì họ thành công trong hoàn cảnh khó khăn, nên họ được nhắc đến nhiều hơn những người "nghiễm nhiên thành công" khi có đầy đủ điều kiện.
Điều đó không có nghĩa là số người thành công khi bỏ học là "nhiều" đâu mấy bạn ạ. Đôi khi, vì không học hành đầy đủ, nên con đường lập nghiệp của họ chông chênh và gian nan hơn rất nhiều. Phải vượt qua ngàn cái khó mới lấp ló vài cái khôn đấy các bạn ạ.
Chúng ta là con người như nhau, có quyền bình đẳng tương đương. Không làm gì xấu thì không ai được phép xem thường. Nhưng ngược lại, đối với người khác, chúng ta cũng đừng bao giờ nên xem thường họ.
Học là việc cần, là việc nên. Học sách vở, học nhà trường và học cả ở cuộc đời nữa. Đó là việc mà mà hầu hết những người thành công trong tương lai sẽ luôn lựa chọn ở hiện tại!
Vài nét về tác giả:
Gào là một cây bút mạng, một blogger nổi tiếng được nhiều bạn trẻ biết đến. Hiện tại cô đang sống và làm việc tại TP HCM.
Bài đã đăng: Không gì so sánh được với gia đình ta đang có, Thư gửi con gái đầy ý nghĩa của Gào, 'Tâm sự con gái sau khi lấy chồng' của Gào, Nhà văn Gào và tâm sự của một người vợ trẻ, Con người có lúc đúng lúc sai.