Khi có ai hỏi thăm "Tết này ba mẹ có đưa con về thăm ông bà không?" thì bé Bi - con trai 4 tuổi của chị Đỗ Hà (quận Tân Bình, TP HCM) lại ngơ ngác. Khác với nhiều em nhỏ từ khi tập nói đã được biết về quê nội, quê ngoại, riêng Bi không thân thuộc với những hành trình về quê ăn Tết cùng ông bà nội. Anh Quân - chồng chị Hà giải thích vì quá bận rộn với công việc nên ít cho con về quê cùng ông bà.
Từ lúc kết hôn, rất ít cái Tết nào anh chị đưa con về sum họp với ông bà nội dài ngày. Nếu ai hỏi "Tết này có về với ông bà?" thì chị Hà ngại ngùng: “Ba cháu về thăm ông bà từ trước Tết, em bận công việc quá chưa thu xếp về ngay được”.
Trước Tết, nhà nhà về quê, chị Hà vẫn cập rập với một danh sách dài nơi nhận quà biếu, bởi cuối năm là thời điểm chị “tút” lại các mối quan hệ. Sau mọi “thủ tục” từ công việc tới về gia đình, đến mùng 3, hai vợ chồng mới cố gắng thu xếp để bế con về quê. 10h sáng về tới nơi, thì xé chiều anh chị lại phải vội vàng bế con đi như… chạy trốn. Chị giải thích: "Nhiều khi còn bao nhiêu mối quan hệ phải 'chăm bẵm' khiến tôi quên mất ông bà đang ở quê ngóng chờ".
Bạn bè chị Hà đôi khi gặp nhau, người thì than thở mất quá nhiều thời gian ăn Tết nhà chồng, với những chồng bát đĩa dơ, một danh sách việc nhà... Cũng có người tự hào vì đã cho con được trải nghiệm đủ cái Tết bên ông bà. Chỉ riêng chị Hà nhìn lại và cảm thấy hình như mình để con sống thiếu cái gì đó, không phải những món quà đắt tiền, mà là sự kết nối với ông bà. “Nhưng thu xếp làm sao đây, cuộc sống đang bộn bề như thế, chắc tôi phải đợi con mình lớn hơn chút sẽ chủ động hơn”, chị Hà bộc bạch.
Trước Tết mấy tháng, khi nghe Tú - con trai đang học lớp 2 rủ: “Năm nay nhà mình về quê với ông bà nhe ba mẹ. Mấy năm rồi, con thèm được mặc áo ấm trong gió rét chiều cuối năm quê mình quá à”. Lúc này, anh Hoàng Phúc và chị Thu Thủy (quận Phú Nhuận) lại quay sang nhìn nhau, rồi bảo "Năm nay ba mẹ bận lắm".
Anh Phúc đứng đầu công ty xây dựng, chị Thủy lại sở hữu công ty xuất nhập khẩu với khối lượng công việc khổng lồ. May mắn lắm anh chị được nghỉ mấy ngày Tết. Có năm anh chị còn gửi nhà cho cô giúp việc đưa con đi du lịch “trốn” Tết.
Với chị Thủy, năm nào sắp xếp được thời gian đi du lịch là năm đó vui và khỏe lắm. Có năm gia đình chị đi gần thì Đà Lạt, Vũng Tàu… Năm đi xa hơn thì qua Singapore, Hàn Quốc… xem xứ người đón Tết. Du lịch nghĩa là sẽ “trốn” được những cuộc thăm hỏi xã giao của bạn làm ăn, của cấp dưới… dù trong lòng anh rất nhớ Tết sum họp ở quê. Có năm hiếm hoi, anh chị đưa con về, nhưng cũng chỉ một hai ngày lại có đối tác mời gặp bàn nên đi luôn. Ông bà nội vừa mới gặp đã phải xa cháu.
Cứ thế, nhiều gia đình trẻ hiện đại vô tình bỏ quên Tết truyền thống bên cha mẹ già. Theo lẽ thường, người già dễ rơi vào trạng thái cô đơn. Cô đơn hơn cả là trong không gian đầy tính hoài niệm, nhiều mong muốn được yêu thương như thời điểm Tết đến xuân về.
Theo một thống kê mới đây của Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, đa số người cao tuổi cảm thấy buồn chán, thất vọng, không biết chia sẻ cùng ai… Điều này khiến cuộc sống người già càng đi vào bế tắc.
Song, không phải gia đình nào bận cũng đều không thể sắp xếp được thời gian ăn Tết với ông bà ở quê xa. Với cựu người mẫu Thúy Hạnh, việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ vốn là đạo hiếu của người Việt, nhưng chưa phải ai cũng đã làm trọn được ý nghĩa của từ này, đặc biệt là trong xã hội hiện đại - khi mà mọi người đều đang trở nên quá bận rộn.
Thúy Hạnh cho biết, bản thân cô cũng rối bời với lịch diễn, làm việc, công tác và đôi khi cảm thấy túng thiếu thời gian. Song, không vì thế mà để cho cái Tết ông bà trở nên xa xỉ. Với Hạnh, ngày Tết thiêng liêng lắm, nên cô luôn cố gắng cùng chồng đưa các con về thăm, chúc sức khỏe để đem lại niềm vui và tuổi xuân cho ông bà.
"Tôi hy vọng rằng các bạn trẻ hãy cố gắng sắp xếp thời gian để cái Tết sum họp không còn là 'xa xỉ' bởi thời gian của cha mẹ là hữu hạn. Nó ngắn hơn rất nhiều so với sự bận rộn mà các bạn đang trải qua", Thúy Hạnh nhắn nhủ.
Mai Thương
Nhân dịp Tết Bính Thân 2016, nhãn hàng OMO thực hiện chương trình “Xuân sum họp - Tết tròn yêu thương” giúp hành trình về quê đón Tết của hàng triệu người Việt xa quê trở nên dễ dàng và thoải mái hơn với sự giúp sức của các em học sinh. Hãy cùng OMO chia sẻ lời hứa “Tết là về bên gia đình” để mang tuổi xuân về bên ba mẹ và vui bước đường về nhà. Tham khảo tại đây. |