Giao dịch tại Sacombank. |
Nhờ tăng vốn mới nên tỷ lệ room cho nước ngoài được dôi ra 4% vì vậy trong ngày 21/8, các nhà đầu tư nước ngoài ào ạt đặt lệnh mua làm cho giá cổ phiếu này tăng từ 52.000 đồng lên 52.500 đồng. Tuy nhiên, sau khi nước ngoài mua hết room (30%) thì STB sẽ ra sao. Nó sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu các ngân hàng khác như thế nào.
Một nhân viên giao dịch của công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, theo lịch cổ phiếu STB bổ sung giao dịch ngày 21/8, nhưng thực tế đến 15h cùng ngày những cổ phiếu này chưa về tới tài khoản. Như vậy nếu nhanh lắm thì đến ngày 22/8 các nhà đầu tư mới có hàng bổ sung để bán.
STB hiện có trên 30.000 cổ đông, trong đó đa số là cổ đông nhỏ, lẻ. Phần nhiều trong “biển người” này thường mua - bán ngắn hạn. Theo anh Nguyễn Chung Tú, một nhà đầu tư tại sàn SSI, vì nhiều nhà đầu tư nhỏ đang chờ mong cổ phiếu mới về để bán nên trong ngắn hạn dù thị trường có “nóng” thì giá STB vẫn khó tăng mạnh.
Tuy nhiên, trong những ngày tới do nước ngoài có thể sẽ tăng mua cho đến khi hết room nên giá STB sẽ được “nâng đỡ”. Khi họ đã mua hết room thì rất có thể giá STB lại “bèo” như cũ. Do STB là một trong hai “thước đo” giá cổ phiếu ngân hàng nên nếu giá STB không tăng thì giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại khác cũng sẽ bị “đè” lâu dài, không “nhúc nhích” lên được.
Vào đầu năm nay, vốn STB chỉ có 2.089 tỷ đồng, nhưng sau một “cú nhảy”, STB đã đưa vốn điều lệ lên 4.448 tỷ đồng, tăng gần 113%. Do vốn tăng mạnh, thị trường bị pha loãng, nguồn cung dồi dào nên dù lợi nhuận tăng rất cao nhưng STB vẫn kém hấp dẫn, giá thấp.
Cùng trong thời kỳ này, mặc dù thị trường suy thoái mạnh, nhưng nhiều cổ phiếu như: BVS, VNM... do tăng vốn ít hoặc không tăng nên mức giá giảm rất nhẹ. Ngày 25/5, giá BVS (công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, sàn Hà Nội) giá bình quân là 385.000 đồng/cổ phiếu, còn STB trên sàn HoSE giá 166.000 đồng/cổ phiếu.
Nhưng đến hôm nay, giá BVS còn 366.000 đồng (giảm 5%), trong khi STB chỉ còn 52.500 đồng, giảm 68,4% (nếu tính cả phần mua mới và cổ tức thì cũng giảm tới 42%). Sở dĩ giá BVS giảm rất thấp là do từ đầu năm đến nay BVS chưa tăng vốn, lợi nhuận đạt cao, làm cho giá trị cổ phiếu ngày càng đậm đặc, vì vậy giá ổn định.
Trong 6 tháng đầu năm nay, STB đạt lợi nhuận trước thuế là 610 tỷ đồng, tăng 66 tỷ đồng so với cả năm 2006. Mức tăng trưởng lợi nhuận như vậy là siêu cao. Theo kế hoạch, năm nay STB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, nhưng nhiều chuyên gia ước tính con số này sẽ lên đến 1.300 tỷ đồng.
Sau khi trừ thuế thu nhập (được giảm 50%) thì còn khoảng 1.120 tỷ đồng, như vậy mức thu nhập trên cổ phiếu sẽ vào khoảng 2.500 đồng/cổ phiếu. Theo công bố của HoSE, với mức giá như hiện nay thì hệ số P/E của STB là 31.
Nếu nhà đầu tư mua vào hiện tại với giá 52.500 đồng (P/E khoảng 31), thì đến hết năm nay hệ số này chỉ còn khoảng 21 và đến hết năm 2008 (nếu không tăng vốn điều lệ) thì P/E lúc đó còn chưa đến 10. Trong thị trường lạm phát tăng cao, với các nhà đầu tư dài hạn, mức giá như vậy là quá rẻ so với loại cổ phiếu “kim cương” có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 100%/năm.
Tạm ngưng mua STB của nước ngoài trong ngày 21/8 Ngày 21/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) có thông báo khẩn ngừng nhập lệnh mua cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) của nhà đầu tư nước ngoài. Lý do vì sai sót của Trung tâm Lưu ký chứng khoán chi nhánh TP HCM trong việc tính toán khối lượng còn được phép mua (current room) cổ phiếu STB nên HoSE đề nghị các công ty chứng khoán thành viên không nhập lệnh mua cổ phiếu STB của nhà đầu tư nước ngoài trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Tuy nhiên, trước khi có thông báo, nhà đầu tư nước ngoài đã mua 1.209.380 cổ phiếu STB. HoSE cho biết, số cổ phiếu này vẫn có hiệu lực và được thanh toán bù trừ như bình thường. Việc mua vào cổ phiếu STB của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được HoSE thông báo sau khi tính toán lại. |
(Theo Người Lao Động)