|
Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, số gia đình thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở đang làm việc tại 3.500 cơ quan, tổ chức trên địa bàn TP là 180.000 hộ, chiếm 60% nhu cầu nhà ở của toàn TP.
Số hồ sơ đăng ký mua nhà ở cũng rất lớn mà mỗi năm TP chỉ giải quyết được chừng 1/3. Nm 2003 có 33 cơ quan đăng ký mua nhà với 2.361 đơn nhưng thành phố chỉ giải quyết chưa đầy 500 trường hợp. Các con số trên cho thấy nhu cầu về nhà ở đối với người có thu nhập thấp là rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Ngoan ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc cho biết, gia đình bà gồm 9 người với 3 thế hệ nhưng hiện chỉ ở căn hộ có chưa đầy 30 m2. Nhưng bà không phải là trường hợp cá biệt. Những gia đình có hoàn cảnh tương tự rất nhiều và dự án thí điểm xây nhà ở cho người có thu nhập thấp thực sự là niềm hy vọng của họ.
Chiều ngày 14/11, tại khu Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Cầu Diễn, Từ Liêm, hai tòa nhà B4 cao 7 tầng và B3 cao 5 tầng đứng sừng sững, trông thật đẹp mắt, hoành tráng nhưng khóa cửa im lìm. Quang cảnh xung quanh buồn hiu hắt, không một bóng người, chỉ toàn thấy cỏ dại.
Một người đàn ông đi ngang qua bảo: "Chắc anh chị định mua nhà ở đây à? Không có ai bán đâu! Mấy dãy nhà này xây xong rồi bỏ đấy”. Rồi ông ta kể: "Ngày khởi công dự án lễ lạt linh đình lắm, cờ hoa rực rỡ. Thấy bảo là xây cho người có thu nhập thấp ở làm cho bao nhiêu người hy vọng, trông chờ. Nhà tôi ở trong làng gần đây, tôi biết cứ thi thoảng lại có vài ba tốp người ở trên phố xuống đây hỏi thủ tục mua nhà mà chẳng có ai bán”.
Tại trụ sở Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, bà Mai Phương, người đại diện cho chủ đầu tư dự án B3, B4 Cầu Diễn, xác nhận, đúng là hai lô nhà này đã hoàn thành từ tháng 6/2003 nhưng đến nay vẫn khóa cửa để đấy. Bà Mai Phương cho biết, Dự án “Xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Hà Nội” có từ năm 2001. Đây là một dự án thí điểm đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư. Đến tháng 5/2002, sau khi nghiên cứu, xem xét, UBND TP đã ra văn bản chấp thuận cho Tổng công ty được chủ động trong việc triển khai phê duyệt và thực hiện dự án này tại 3 điểm là Xuân La, Cầu Diễn và Xuân Đỉnh.
Tổng công ty ngay sau đó đã ủy quyền cho 3 công ty thành viên thực hiện dự án, gồm 3 lô nhà B3, B4, B5 Cầu Diễn, CT1B Xuân La và chung cư 9 tầng Xuân Đỉnh. Trong đó, Công ty Đầu tư xây dựng số 2 làm chủ đầu tư hai lô nhà B3 và B4 Cầu Diễn; các lô nhà còn lại do Công ty Xây dựng Hồng Hà và Công ty Đầu tư và Phát triển nhà số 12 thực hiện. Theo đó, một năm sau, tháng 6/2003 dự án hoàn thành, tất cả các lô nhà đều đã xây dựng xong và có thể sẵn sàng đón người dân vào ở.
Dự thảo Quy chế về việc thí điểm bán nhà trả góp, trả dần tại các dự án cũng đã được chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội hoàn tất từ cuối năm 2002. Theo đó, điều kiện để công nhân viên chức mua nhà là phải có thâm niên công tác từ 10 năm trở lên, thực sự khó khăn về nhà ở. Người mua sẽ phải trả ngay cho chủ đầu tư 50% chi phí, số tiền còn lại sẽ phải trả góp, trả dần trong vòng 10 năm với giá thành dự kiến khoảng 3-4 triệu đồng/m2.
Tất thảy mọi thứ đều đã sẵn sàng như vậy nhưng những căn hộ vẫn cứ phải khóa cửa im ỉm chờ một thủ tục mà không biết đến bao giờ mới có?
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sở dĩ chưa có danh sách những người thuộc diện được mua nhà trong dự án xây nhà ở cho người có thu nhập thấp vì hiện nay TP vẫn chưa đưa ra được định nghĩa: "Thế nào là thu nhập thấp?”. Ngay cả quy chế bán nhà trả góp hiện cũng mới ở dạng dự thảo, chưa phê duyệt được. Khó khăn của định nghĩa này nằm ở chỗ hiện tại cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát nổi các khoản thu nhập khác ngoài lương của phần đông công nhân viên chức.
Và chính bởi vướng mắc này mà đã hơn hai năm qua, các lô nhà thuộc dự án thí điểm xây nhà ở cho người có thu nhập thấp ở Hà Nội vẫn khóa cửa bỏ không. Xem ra, tất cả những mục tiêu đầu tư tốt đẹp của dự án, như: tạo quỹ nhà ở cho TP; tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp được mua nhà ở với điều kiện tương đối tốt; tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho doanh nghiệp đều chưa thực hiện được.
Bức xúc trước tình trạng này, một số người đặt câu hỏi: Vậy tại sao khi phê duyệt dự án, TP không đồng thời tiến hành việc nghiên cứu quy chế bán nhà và tìm ra tiêu chuẩn thế nào là người có thu nhập thấp? Phải chăng chính sự không đồng bộ trong cách thức triển khai dự án này của UBND TP Hà Nội mới dẫn đến nghịch lý “nhà chờ người, người chờ nhà” như hiện nay.
Còn bà Mai Phương, đại diện chủ đầu tư thì lo lắng thực sự: “Lúc thực hiện dự án cứ tưởng chỉ 1 năm là hoàn vốn. Ai ngờ, dự án hoàn thành đến hơn 2 năm rồi mà vẫn chưa bán được nhà. Doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng suốt từ bấy đến nay và sẽ còn phải tiếp tục trả không biết đến bao giờ”.
Theo thông tin mà phóng viên có được thì vốn đầu tư cho 2 lô nhà B3 và B4 Cầu Diễn của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội khoảng 12 tỷ đồng. Với lãi suất ưu đãi của ngân hàng là 0,7% mỗi tháng doanh nghiệp này phải trả lãi ngân hàng trong suốt 2 năm qua số tiền khoảng 12 tỷ đồng.
(Theo Công An Nhân Dân)