Thùy Ngân
Em nhớ ngày em còn bé xíu, anh em mình thường cùng nhau chơi trò chú bộ đội đi đánh giặc, hết núp cây chuối, lại trốn bụi rơm... Chơi mệt, ngồi bên nhau anh kể cho em nghe những câu chuyện mà đêm đêm mẹ vẫn thường kể về những người lính cụ Hồ, về bố - một chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh khi quên mình cứu ngư dân bị nạn trên biển vào một ngày giông bão.
Ngày đó khi nghe chuyện, em cười hồn nhiên vì em chỉ là một đứa trẻ, giờ lớn khôn nghĩ lại mới thấy bố mình là một anh hùng. Dù em rất buồn khi chưa từng được bố bế trên tay, chưa từng được bố chiều chuộng và chưa được nghe một tiếng gọi của ông. Bố ra đi mà chưa biết em đã có trên đời.
Nhiều lúc tủi thân em ngồi khóc nhưng em hiểu và không trách bố vì ông đã hy sinh cho Tổ quốc quê hương. Giờ đây em không những tự hào về bố mà còn tự hào về anh nữa, bởi anh cũng là một người lính Hải quân đang đứng nơi đầu sóng ngọn gió đối diện với những khó khăn nguy hiểm thiếu thốn đủ thứ.
Có một lần, em và mẹ xem một chương trình trên ti vi nói về những người lính hải đảo, mẹ đã khóc vì thương những chiến sĩ nơi biển đảo và thương anh. Nơi ấy thiếu thốn đủ điều từ sinh hoạt thường ngày đến tình cảm của những người thân yêu trong gia đình. Vậy mà, các anh vẫn kiên cường chống chọi. Nhất là những khi giông tố, ngoài công việc bảo vệ biển đảo, các anh còn không ngại hy sinh, không sợ khó khăn lao mình ra biển cứu hộ ngư dân gặp nạn. Nguy hiểm luôn rình rập nhưng các anh vẫn lạc quan trong từng ánh mắt, nụ cười và vẫn hát vang bài hát về người lính Hải quân.
Xem ảnh anh chụp gửi về, mẹ nước mắt rưng rưng. Em biết có lẽ vì những ngày dài, đêm lạnh đứng gác trên cánh sóng, nắng gió bụi cát đã làm anh thay đổi nhiều, màu da sạm đi bởi cái thời tiết khắc nghiệt của biển. Anh biết không, mẹ nhớ anh lắm dù luôn mong con trai hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách quê hương đã giao phó. Điều mà mẹ ao ước nhất trong ba năm qua là được ôm anh vào lòng và cùng anh ngồi ăn một bữa cơm đoàn tụ. Lâu rồi nhà chỉ có mình mẹ ngồi ăn sáng, trưa, chiều tối vì em đi học xa, cuối tuần chẳng dám về nhiều vì tốn kém tiền xe cộ.
Mỗi lần em về ngồi ăn cùng mẹ, mẹ vui lắm. Nhìn trong mắt mẹ tràn đầy niềm hạnh phúc. Tết vừa rồi anh không về được dù biết như vậy nhưng mẹ vẫn ra đầu ngõ ngóng trông. Nhiều khi mẹ ốm nằm liệt giường, em rất muốn viết thư cho anh để báo tin nhưng lần nào mẹ cũng ngăn, vì sợ anh lo lại nghĩ ngợi nhiều mà ảnh hưởng đến công tác.
Mẹ vẫn vậy, vẫn tham công tiếc việc với thúng xôi để kiếm thêm đồng ra đồng vào nuôi em học. Nhiều lúc mẹ còn bảo kiếm thêm ít tiền để khi nào anh lấy vợ thì tổ chức cho chu đáo, em chỉ biết cười trừ vì hoàn cảnh gia đình mình nghèo quá, tiền anh gửi về phụ giúp gia đình, mẹ toàn giữ lại để dành. Sáng nào mẹ cũng dậy từ tờ mờ để thổi xôi, lắm lúc huyết áp tụt mẹ ngất lịm đi trong cơn mê mà vẫn gọi tên anh nhiều lắm.
Hôm rồi mẹ biết anh năm tới sẽ được về phép và rằng anh đã có người yêu là một giáo viên mầm non, mẹ vui lắm. Chị ấy đã về thăm mẹ và kể với nhà mình rằng quen anh qua những cánh thư. Chị yêu anh bởi tính thật thà chất phát của một người lính hải đảo. Đúng là chỉ có tình yêu của lính mới như vậy, có biết bao câu chuyện tình yêu đã nảy nở trên từng trang giấy trắng dù nghìn dặm cách trở. Chị bảo vì sự cảm phục và tình yêu dành cho những anh bộ đội cụ Hồ như anh mà hai người đã đến được với nhau.
Chị kể trong nước mắt rằng chị đã cảm mến những người lính đang ngày đêm đương đầu với sóng giữ bảo vệ biển đảo và vùng trời biên cương Tổ quốc. Chị là một cô gái tốt đó anh. Dù gia đình mình chưa có miếng trầu dạm ngõ, lại nghèo nhưng chị không nề hà cái khó ấy. Chị, mẹ và cả em vẫn đang chờ ngày anh trở về với... nguyên vẹn một tình yêu.