![]() |
Học sinh và phụ huynh lựa chọn mua sách ngữ văn lớp 10 tại nhà sách. |
Khi đọc hệ thống sách ngữ văn lớp 10 bao gồm sách giáo viên và tài liệu bồi dưỡng, chỉ đạo thực hiện chương trình, sách giáo khoa (*), người ta không khỏi bất ngờ và giật mình vì tất cả chúng đều có những điểm biên soạn quá kỳ lạ về học thuật, kiến thức, phương pháp.
Trang 55, sách Bồi dưỡng, chỉ đạo thực hiện khi hướng dẫn dạy bài “Đại cáo bình Ngô” (Nguyễn Trãi) đã gợi ý giáo viên cần dạy như thế này: “Kết hợp tích hợp giáo dục môi trường khi giảng bài “Đại cáo bình Ngô”: lúc lên án tố cáo tội ác kẻ thù, tác giả tố cáo hành động hủy diệt môi trường sống. Bại nhân nghĩa nát cả đất trời - Nặng thuế khóa sạch không đầm núi (...), với những câu văn trên, Nguyễn Trãi là “người xưa của ta nay” trong vấn đề bảo vệ môi trường”.
Chưa hết, để nhấn mạnh ý trên, trong sách giáo viên, người biên soạn còn hùng hồn hơn: “Giáo viên cần lưu ý cho học sinh rằng bằng linh cảm thiên tài, Nguyễn Trãi đã đề cập vấn đề môi trường sống”. (trang 21).
Là người VN, lớn nhỏ đều biết Nguyễn Trãi là thiên tài vĩ đại ở nhiều lĩnh vực. Và “Đại cáo bình Ngô” là một áng thiên cổ hùng văn. Tuy nhiên, hướng dẫn giáo viên và học sinh rằng Ức Trai và “Đại cáo bình Ngô” sinh ra để “bảo vệ môi trường” thì thật là khiên cưỡng, áp đặt. Hướng dẫn như vậy vừa ngây ngô về học thuật, vừa có tội với tiền nhân về mặt tư tưởng. Đặc biệt là góp phần tạo ra những áng văn... dễ sợ kiểu: “A Phủ vác dao đi tìm Bá Kiến” đang được công luận nói nhiều.
Chưa hết, trong sách giáo khoa (bộ nâng cao) bài “Tổng quan nền văn học VN qua các thời kỳ lịch sử” (trang 13), sách lại có một nhận định chết người khác: “Văn học VN đến khi vượt khỏi giới hạn của khu vực văn hóa Trung Hoa nặng tính trung đại để tiếp xúc với các trào lưu văn hóa, văn học hiện đại của thế giới thì nền văn hóa ấy liền bước ngay vào một thời kỳ phát triển bồng bột, mau lẹ”.
Trong cách hiểu lâu nay, từ bồng bột thường chỉ những cá tính chưa chín chắn, xốc nổi, hiểu biết chưa đến nơi đến chốn. Viết như vậy, có lẽ ai cũng phải nghĩ rằng văn học VN từ khi hội nhập đã phát triển một cách bốc đồng, chông chênh. Những người dạy, cũng không hiểu người biên soạn viết như vậy là hướng dẫn thày phải ca ngợi hay miệt thị nền văn học dân tộc với học sinh đây đây.
Ở phần tổ chức kiểm tra, thi cử, mục ra đề thi trắc nghiệm, sách lại đưa ra hàng chục đề với đầy rẫy những sai sót không hiểu nổi. Ở đây chỉ xin trích một đề. Với bài Tỏ lòng (Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão), sách đưa ra mô hình trắc nghiệm sau: “Bài thơ Tỏ lòng được sáng tác trong thời kỳ nào? A: nhà Tống; B: nhà Đường; C: nhà Minh; D: nhà Thanh”.
Nếu học sinh hỏi, sẽ vô cùng hốt hoảng khi sách là pháp lệnh, bởi nếu phải theo sách thì cả bốn dữ liệu trên đều nói về những triều đại... Trung Hoa. Vậy, những triều đại của dân tộc VN tương ứng, trong đó triều đại nhà Trần với hào khí Đông A, cái cảm hứng đã tạo nên Tỏ lòng ở đâu? Triều đại đó đã bị chính những người biên soạn sách cho thế hệ trẻ Trung Hoa hóa một cách đáng ngạc nhiên. Còn nếu muốn trắc nghiệm để kiểm tra các em bài thơ được sáng tác trong triều đại Trung Hoa nào xâm lấn VN thì càng lạ, bởi cả bốn dữ liệu đều sai.
Chí ít ai cũng biết bài thơ, nếu hỏi như thế, được làm ở triều đại nhà Nguyên. Và một điều “rùng rợn” khác, sách hướng dẫn đáp án của đề trên là “Câu B”. Nghĩa là bài thơ được sáng tác vào thời kỳ nhà Đường (trang 120).
Quả thật, trên đây chỉ là vài điểm trong hàng trăm sai sót của cả ba loại sách đang phát hành cho năm học đã cận kề.
(Theo Tuổi Trẻ)