Theo đó, bộ phim có khoảng 100 diễn viên và từng người có trang phục và mũ riêng. Khi con trai lớn của Victor Vũ - Đinh Ngọc Diệp xin bố mẹ được đóng một vai quần chúng, đội thiết kế cũng may riêng bộ đồ cho bé tại chỗ.
NSƯT Kim Oanh nhận thấy ba người vợ trong Người vợ cuối cùng có sắc thái khác nhau trong đầu tóc, xiêm y, nhưng đều đồng nhất phong cách phụ nữ thế kỷ 19. Cô ấn tượng giám đốc mỹ thuật Ghia Ci Fam là người cầu toàn và tỉ mỉ, tự tay chọn từng chiếc vòng, cây trâm trong từng cảnh quay của cô.
Còn nữ chính Kaity Nguyễn cảm nhận nhân vật Linh rõ nhất khi khoác lên mình những bộ áo dài. Chất vải mềm mại khiến cô nghĩ đến vẻ đẹp uyển chuyển của những người phụ nữ cách đây hơn một thế kỷ.

Kaity Nguyễn, NSƯT Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp (từ trái qua) đảm nhận vai ba bà vợ của quan tri huyện trong 'Người vợ cuối cùng'.
Đinh Ngọc Diệp bày tỏ cô tâm đắc với chất liệu văn hóa Việt Nam trong phim Người vợ cuối cùng, được thể hiện qua tủ đồ và đạo cụ. Mỗi bộ đồ có ba, bốn lớp. Dù trời nóng hay diễn viên di chuyển khó khăn, giám đốc mỹ thuật Ghia Ci Fam cũng không cho diễn viên mặc "ăn gian", vẫn phải đầy đủ các lớp áo.
Nhà sản xuất của Người vợ cuối cùng cho hay khi làm hình ảnh cho phim, họ tham khảo Kỹ thuật của người An Nam - công trình nghiên cứu văn minh vật chất ở An Nam khoảng 100 năm trước, được thực hiện bởi một người Pháp tên Henri Oger cùng nghệ nhân Việt Nam. Dựa trên hình ảnh tư liệu, êkíp sáng tạo ra tạo hình nhân vật với tinh thần đề cao nét đẹp truyền thống của cả ba miền đất nước, đồng thời mang dụng ý khắc họa cá tính của từng nhân vật theo kịch bản.
Với trang phục của người vợ cả (NSƯT Kim Oanh), đạo diễn Victor Vũ chọn tone màu nóng, thường là đỏ hoặc nâu đậm trên nền vải đơn giản, kiệm hoa văn. Điều này thể hiện cá tính nghiêm khắc và có phần nóng nảy của nữ chủ gia đình.
Mợ hai (Đinh Ngọc Diệp) được thiết kế cho những bộ trang phục mang nhiều tone màu nóng - lạnh xen lẫn, nhưng không quá đậm, tạo cảm giác dễ chịu. Trên thân vải có nhiều hoa văn cầu kỳ. Trang sức đi kèm gồm nhẫn, trâm, vòng tay đa dạng. Điều này thể hiện cá tính thẳng thắn, vô tư. Đạo diễn Victor Vũ cho rằng đây là nhân vật đại diện cho tính trào phúng để cân bằng lại không khí ngột ngạt của cuộc sống nơi phủ tri huyện.
Nhân vật chính Diệu Linh (Kaity Nguyễn) chủ yếu chỉ diện trang phục màu nhã nhặn, từ áo ngũ thân đến chiếc trâm cài, đôi bông tai. Khi đặt cô đứng gần hai người vợ trước, sự chênh lệch về màu sắc này sẽ tạo cảm giác đây là một người vợ lẽ nhạt nhòa, xuất thân thấp kém, luôn mang tâm trạng trầm buồn và u uất.

NSƯT Quang Thắng vào vai quan tri huyện.
Hằng ngày ngồi trước màn hình trên phim trường, nhìn dàn diễn viên xuất hiện trong khung cảnh tái hiện nhà ở, chợ búa, làng mạc Bắc bộ thế kỷ 19, đạo diễn Victor Vũ cảm nhận từng khung hình như những bức tranh, bức ảnh đời sống người Việt ngày xưa. "Tôi tưởng như mình đang nhìn vào quá khứ", anh nói.
Người vợ cuối cùng xoay quanh cuộc đời khổ mệnh của Linh (Kaity Nguyễn) khi làm dâu chốn hào môn cùng mối tình lén lút giữa cô và người bạn thanh mai trúc mã Nhân (Thuận Nguyễn). Phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ oán hận của tác giả Hồng Thái - bố của Đinh Ngọc Diệp. Phim còn có sự góp mặt của NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Quốc Huy, Anh Dũng... Phim ra rạp từ ngày 3/11.
Một số hình ảnh thiết kế nhân vật, đạo cụ trong 'Người vợ cuối cùng'