Theo Sina News, những người trẻ tuổi quyết định từ bỏ công việc họ đang làm, dù mới bắt đầu sự nghiệp được vài năm, do căng thẳng và làm việc quá sức. Xu hướng này hiện phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc, nơi những hình ảnh và video về việc nghỉ làm, các câu chuyện về lời nói cuối cùng dành cho người quản lý và những giai thoại tương tự được chia sẻ rộng rãi.
Những lý do phổ biến nhất mà các thanh niên này đưa ra là làm việc nhiều giờ, bị bắt nạt, môi trường làm việc độc hại, mục tiêu không thực tế và sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống kém.
Nhiều người còn nhân cơ hội này để nói cho quản lý và đồng nghiệp biết họ thực sự cảm thấy thế nào vào ngày làm việc cuối cùng, như một cách thể hiện sự phản đối.

Nhiều thanh niên Trung Quốc thấy háo hức, đếm ngược đến ngày nghỉ việc. Ảnh: SCMP
Một chàng trai ở tỉnh Tứ Xuyên cho biết sau khi thông báo sẽ nghỉ việc, anh lập tức thay ảnh đại diện trong hệ thống nội bộ của công ty bằng dòng chữ: "Một nhân viên khiêm tốn không thể phục vụ ông chủ mình được nữa!".
"Hahaha, tôi cảm thấy khá thoải mái", chàng trai nói thêm.
Một cô gái khác cho biết đã thay hình nền máy tính ở công ty thành đồng hồ đếm ngược kỹ thuật số vào ngày làm việc cuối cùng.
"Tôi sẽ nghỉ việc vào tuần tới, xin đừng làm phiền tôi nữa", dòng chữ trên hình nền viết. Một tuần sau, dòng chữ này chuyển thành "Bỏ việc" với phông chữ màu đỏ tươi.
Trước ngày làm việc cuối cùng của mình, cô đánh dấu bằng một dòng văn bản lớn, bôi đậm trong ô đỏ và thêm dòng chữ mới có nội dung: "Tôi đã bị xóa khỏi nhóm WeChat dành cho đồng nghiệp ở miền đông nam Trung Quốc - xin đừng làm phiền tôi".
Trong khi đó, nhiều thanh niên còn mở tiệc tại nhà hoặc ở quán bar, nhà hàng, để ăn mừng nghỉ việc, một số người dựng biểu ngữ ca ngợi quyết định này hay dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho tương lai của họ.

Banner chúc mừng tại một bữa tiệc mừng nghỉ việc ở Trung Quốc. Ảnh: Weibo
Hiện tượng này đã gây ra nhiều tranh cãi hơn ở Trung Quốc. Người ta cho rằng nó là một kiểu mở rộng của văn hóa "nằm thẳng", hay "tang ping". Những người ủng hộ phong trào này thể hiện thái độ thụ động đối với sự nghiệp và tham vọng, đồng thời lựa chọn bằng lòng làm những việc tối thiểu cần thiết để tồn tại.
"Tang ping" đang ngày càng được coi là lối sống mơ ước của giới trẻ Trung Quốc, nơi hiện diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt do tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và xung đột giữa các giá trị truyền thống - hiện đại.
Hồi tháng 5, một người đàn ông 29 tuổi, thất nghiệp, dựng lều sống trong bãi đậu xe cũ ở tỉnh Tứ Zuyne hơn 200 ngày đã thu hút sự chú ý của truyền thông. Cùng tháng, một cô gái 24 tuổi mở miền trung Trung Quốc gây xôn xao khi tự chế chiếc lịch đếm ngược 4.500 ngày trước khi nghỉ hưu sớm.
Hướng Dương (Theo SCMP)