Thứ năm, 8/7/2021, 00:03 (GMT+7)

Người phụ nữ dệt lụa từ sen

Hà Nội – Rút sợi từ bên trong những cuống sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã dệt nên chiếc khăn có giá bán gần chục triệu đồng.

Một ngày đầu tháng 7/2021, khi mặt trời đã quá đỉnh đầu, trên cánh đồng sen trải rộng ngút tầm mắt, bà Phan Thị Thuận (68 tuổi, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn cần mẫn lựa chọn từng cuống sen để mang về lấy tơ.

Từ năm 2017, bà Thuận đã bắt đầu bắt tay vào việc thử nghiệm lấy tơ từ những cuống sen. Nhưng phải tới năm 2019, bà Thuận mới thành công. Sản phẩm đầu tiên là ba chiếc khăn được nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 để làm quà tặng. Những năm sau đó, số lượng sản phẩm tăng dần.

Hàng năm, từ tháng 5 đến 9, mùa sen bắt đầu cũng là thời điểm gia đình bà Thuận bước vào công đoạn khai thác tơ sen. Đầm nhà không đủ, bà Thuận thu mua thêm từ các vùng lân cận. "Trước khi có tơ sen, cuống cây sen gần như vứt bỏ, nhưng giờ thì khác", bà Thuận nói.

Theo bà Thuận, chỉ cần thân cây sen khi còn tươi đều có thể cho ra sợi tơ, nhưng tốt nhất là những cuống sen bánh tẻ khi đó sẽ cho ra loại tơ chất lượng nhất.

Cuống sen sau khi lấy từ ngoài đầm về, được vứt bỏ lá, sau đó rửa sạch.

Để lấy được tơ sen, bà Thuận dùng dao khứa xung quanh cuống sen, khéo léo dùng tay kéo các sợi tơ, miết qua một tấm bảng tẩm nước, kéo dài và bện lại với nhau. Quy trình này lặp đi lặp lại khoảng ba lần để sợi tơ đủ dày.

Với bà Thuận, đây được xem là một trong những công đoạn khó nhất, trong đó lúc cắt phải thật sự nhẹ nhàng, tính toán sao cho không quá sâu tránh làm đứt những sợ tơ bên trong. Người thợ lành nghề có thể một lúc cắt và tách khoảng 4-5 cọng sen để lấy tơ.

"Cần khoảng 1 tuần để có thể làm được việc này, nhưng phải hơn một tháng thì mới thành thạo được", bà Thuận nói.

Bà Thuận kể, từng vào tận vùng Đồng Tháp Mười để chỉ dạy người dân cách lấy tơ nhưng không mang lại hiệu quả. Kinh nghiệm của bà là những vùng nào có truyền thống nghề tơ tằm thì sẽ dễ dàng tiếp thu hơn.

Bây giờ, khi sức khỏe vẫn còn cho phép, bà Thuận đang truyền lại kiến thức cho các em nhỏ trong làng. Lúc cao điểm, có cả trăm em học sinh tới xin học.

Những ống tơ được xếp ngay ngắn chờ đưa vào guồng quay sợi.

Quá trình quay sợi người quay phải luôn chăm chú điều chỉnh để sợi không bị đứt. Dù thuê người làm, nhưng bà Thuận nhiều khi vẫn không cảm thấy an tâm, bà tỉ mẩn kiểm tra từng công đoạn một.

Tới công đoạn dệt, với những tấm lụa có hoa văn chìm, người đứng máy phải khéo léo tạo tác ngay khi đưa đẩy con thoi. Họa tiết chủ yếu là hoa sen.

Chiếc khăn khi thành hình được mang đi luộc ở nhiệt độ cao trong khoảng 1 giờ để cho ra hết nhựa sen. Khăn khi phơi cho khô sẽ được mang đi thêu theo họa tiết đã được dệt sẵn.

Để cho ra một chiếc khăn hoàn chỉnh sẽ phải mất hơn 1 tháng và cần tới 4.800 cuống. Giá bán của những chiếc khăn này khoảng 8 triệu đồng.

Được biết, việc lấy lụa từ cuống sen vốn xuất phát từ Myanmar khoảng hơn 100 năm nay. Tại Việt Nam, bà Thuận được xem là người tiên phong.

Phạm Chiểu

Đánh giá phiên bản mới