Cuối năm ngoái, Liu Yanqun, nông dân nuôi dúi ở miền nam Trung Quốc, vừa bắt đầu kiếm được lợi nhuận từ trang trại của mình thì Covid-19 bùng phát. Dịch bệnh chết người này được cho là có liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở nước này. Các nhà khoa học cho rằng nCov có thể bắt nguồn từ dơi và được truyền sang người thông qua vật chủ trung gian là một loài động vật có vú khác.
Đáp lại, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ nhiều loại động vật hoang dã và bán hoang dã trên toàn quốc. Những động vật nằm trong danh sách cấm bao gồm: dúi, rắn hổ mang và cầy hương, những loài được nuôi để đáp ứng nhu cầu thưởng thức đặc sản địa phương của người Trung Quốc.
Lệnh cấm trên đã khiến hàng chục nghìn người mất việc làm ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Hình thức nuôi động vật hoang dã với chi phí đầu tư thấp từng được khuyến khích như một cách giúp người dân thoát đói nghèo.
"Tôi cảm thấy mọi thứ như sụp đổ. Thật khó để tôi có thể tìm được một công việc khác", Liu, chủ trang trại nuôi 800 con dúi ở tỉnh Hồ Nam, chia sẻ. "Tôi không có kế hoạch rõ ràng về việc phải làm gì tiếp theo".
Người nông dân 38 tuổi này đã chuyển đổi sáu phòng trong ngôi nhà cũ của gia đình nằm sâu trong những con đường đồi núi quanh co thành trang trại dúi sáu năm trước. Liu mới bắt đầu kiếm được một ít lợi nhuận vào năm ngoái. Hồi tháng 5, Hồ Nam là một trong những tỉnh đầu tiên ở Trung Quốc đưa ra mức bồi thường để khuyến khích nông dân chuyển đổi sinh kế. Như nhiều nông dân khác, số tiền do chính quyền bồi thường để Liu chấm dứt hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã vẫn không thấm vào đâu so với số vốn bỏ ra.
Theo đó, các nhà chức trách đã đánh giá trang trại, số lượng vật nuôi còn tồn kho và đưa ra mức bồi thường 75 nhân dân tệ/kg dúi (11 USD), 120 nhân dân tệ/kg rắn hổ mang (17,4 USD) và 600 nhân dân tệ/con cầy hương (87 USD). Các nông dân nói rằng giá bồi thường của chính quyền không bằng giá trị thị trường nên chỉ có thể bù đắp một phần nhỏ chi phí cơ sở hạ tầng trong trang trại của họ.
Trong khi đó, một số nông dân lâm vào cảnh lao đao khi chờ cơ quan chức năng thẩm định đàn vật nuôi của họ. "Chúng tôi không thể giết hoặc bán chúng", Li Weiguo, 61 tuổi, nông dân nuôi rắn hổ mang nói. Ông Li cho biết thêm nhiều con rắn trong trang trại ông đã chết trước khi chính quyền đến thẩm định.
"Tôi đã nuôi hơn 3.000 con rắn nhưng cuối cùng chỉ nhận được khoản bồi thường cho 1.600 con", ông Li cho hay.
Việc Trung Quốc kiểm soát các trang trại động vật hoang dã đã ảnh hưởng đến gần 250.000 việc làm của người dân nông thôn. Số động vật mà các trang trại không thể bán trị giá khoảng 11 tỷ nhân dân tệ (hơn 1,5 tỷ USD). Với khoản bồi thường không đủ bù đắp các khoản đầu tư, những nông dân như ông Li đang phải chật vật để trả nợ và chỉ còn lại một số vốn ít ỏi để bắt đầu công việc kinh doanh mới.
"Tất cả số tiền cho công việc kinh doanh của tôi đến từ các khoản vay bạn bè và người thân. Tôi không có cách nào để trả nợ cho họ và thường xuyên bị nhắc nợ trong những ngày gần đây", ông Li tâm sự.
Huang Guohua, một nông dân nuôi dúi, than thở đang nợ hơn 400.000 nhân dân tệ (gần 58.000 USD).
"Năm ngoái, tôi đã có kế hoạch mở rộng kinh doanh, nhưng đại dịch khiến chúng tôi thiệt hại nặng nề", ông Huang nói. Kế hoạch của ông là tăng gấp ba lần quy mô trang trại nhưng toàn bộ số tiền ông đổ vào đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi dúi đã mất sạch vì lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã.
"Tôi chỉ biết khóc thầm", Huang, người hiện chuyển sang nuôi thỏ và gà, giãi bày.
Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là xóa nghèo cùng cực và xây dựng một "xã hội thịnh vượng trung bình" vào cuối năm 2020, đặc biệt ở vùng nông thôn. Nhưng Covid-19 đã khiến mục tiêu đó ngày càng khó đạt được, khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay cả trước khi Covid-19 tác động làm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm sút, hơn năm triệu người ở nông thôn Trung Quốc phải sống trong cảnh nghèo đói, với mức thu nhập dưới 2.300 nhân dân tệ (326 USD) mỗi năm.
"Với tình hình dịch bệnh này, chúng tôi đang quay trở lại với nghèo đói và có thể còn tồi tệ hơn trước", ông Huang dự đoán.
Sơn Nam (Theo AFP)