Covid-19 đã giết chết hơn 2.500 người ở Trung Quốc và lây lan ra toàn cầu được cho là có liên quan tới những động vật hoang dã được bày bán trong các chợ hải sản Hoa Nam (Vũ Hán). Các nhà khoa học cho rằng những động vật hoang dã này là vật chủ trung gian cho virus corona chủng mới lây lan sang người gây viêm phổi cấp.
"Kể từ khi Covid-19 bùng phát, việc ăn thịt động vật hoang dã và mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng", một quan chức cấp trung ương Trung Quốc nhận định. Hôm 24/2, nhà chức trách quyết định cấm tiêu thụ động vật hoang dã và sẽ trấn áp nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
17 năm trước, virus gây nên đại dịch SARS cũng được cho là lây từ con cầy hương sang người khiến hơn 800 người tử vong. WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cũng cho biết 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện trong vòng 50 năm qua đến từ động vật.
Các hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã ở Trung Quốc có giá trị 74 tỷ USD và sử dụng 14 triệu lao động, theo một báo cáo của chính phủ vào năm 2017. Khoảng 7,6 triệu lao động làm việc trong các ngành làm sản phẩm từ da, lông, còn 6,2 triệu lao động làm trong các trại nuôi và chế biến động vật hoang dã lấy thịt.
Luật bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1989, nhưng có nhiều lỗ hổng, và việc tiêu thụ động vật hoangdã và động vật nuôi nhốt được cho phép vì mục đích thương mại.
"Luật hiện hành chỉ bảo vệ một số giới hạn thú hoang dã, nhưng lệnh cấm sẽ cấm việc tiêu thụ một cách tổng quát, không chỉ động vật sống hoang dã, mà cả động vật bán hoang dã được nuôi trong các trang trại", Yang Heqing, phó giám đốc Văn phòng Luật Kinh tế thuộc Ủy ban Pháp chế Trung ương nói. Ông Yang cho biết thêm việc sử dụng động vật hoang dã cho các mục đích khoa học và y tế sẽ được cho phép nhưng sẽ tăng cường thêm cơ chế quản lý.
"Cuối cùng, có một lệnh cấm hoàn toàn đối với việc ăn uống và buôn bán động vật hoang dã. Đó là một bước tiến lớn trong bảo vệ động vật hoang dã", Zhou Haixang, thành viên Ủy ban Quốc gia về Con người và Sinh quyển ủng hộ quyết định của chính quyền.
Zhou Ke, giáo sư về luật tài nguyên - môi trường tại Đại học Nhân dân, nói hoạt động kinh doanh liên quan tới động vật hoang dã đã trở thành ngành công nghiệp khổng lồ ở Trung Quốc và đã rất khó kiểm soát ở khâu chế biến.
"Nhưng nếu việc tiêu thụ bị cấm, và nhu cầu giảm xuống, sẽ không ai nuôi, phối giống những loài động vật đó nữa", ông nói.
Tại một số vùng nông thôn của Trung Quốc, như Quý Châu hay Quảng Đông, việc nuôi động vật hoang dã là ngành mang lại thu nhập đáng kể, và chính quyền địa phương sẽ phải hỗ trợ người chăn nuôi chuyển sang ngành nghề khác.
Wang Canfa, giáo sư luật môi trường tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhận định chính phủ nên hỗ trợ người nông dân chuyển đổi ngành chăn nuôi bởi "Chính sách này sẽ ảnh hưởng đến một số lượng lớn người lao động hợp pháp hiện tại".
Sơn Nam (Theo SCMP)