Trong đoạn video được quay ở Delhi hôm 27/4, một nhóm đàn ông cầm gậy xông vào đánh các bác sĩ và bảo vệ sau khi người thân họ, một bệnh nhân 67 tuổi, qua đời trong phòng chờ do không còn chiếc giường trống nào bên trong khu điều trị tích cực.
Bệnh viện Apollo, nơi sự việc xảy ra vào khoảng 9 đến 10h, cho biết một nhóm y bác sĩ đã bị thương trong vụ hành hung nhưng vẫn phải lập tức quay trở lại công việc do số lượng bệnh nhân cần điều trị rất lớn.
Tuần trước, một video được quay ở thành phố Pune, bang Maharashtra, cho thấy bác sĩ Siddhant Totla, 25 tuổi, bị đấm, đá và đánh đập bằng gậy sau khi một người đàn ông qua đời và họ hàng ông ta trút giận lên anh.
Hệ thống y tế của Ấn Độ hiện quá tải sau khi làn sóng Covid-19 thứ hai tấn công. Bên trong nhiều bệnh viện Ấn Độ, các bác sĩ trẻ cho biết họ đang bị đối xử như những tấm "bia đỡ đạn" và phải điều trị số lượng bệnh nhân gấp 4 hoặc 5 lần bình thường, trong khi đồng nghiệp lâu năm của họ, những người có nguy cơ nhiễm bệnh hơn, thì tránh xa tuyến đầu. Theo họ, chính phủ đang nợ họ hai tháng tiền lương và buộc họ phải làm việc suốt ngày đêm, kể cả khi vài người đã có các triệu chứng nhiễm bệnh.
Bác sĩ Siddharth Tara, sinh viên cao học y khoa đang làm việc ở Bệnh viện công Hindu Rao ở New Delhi, cho hay anh đã có các triệu chứng nhiễm nCoV từ đầu tuần nhưng được yêu cầu vẫn tiếp tục làm việc cho tới khi có kết quả xét nghiệm chính thức.
"Tôi không thở được. Trên thực tế, tôi còn có nhiều biểu hiện của bệnh hơn cả bệnh nhân. Sao họ lại có thể bắt tôi làm việc chứ?", Tara, người vốn mắc bệnh hen suyễn, nói.
Những khó khăn mà Ấn Độ đang phải đối mặt, khi các ca nhiễm tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, đang được xử lý bởi sự mong manh, yếu kém của cả hệ thống y tế và đội ngũ y bác sĩ.
Ấn Độ có 541 trường y khoa với 36.000 sinh viên sau đại học, và theo hiệp hội các bác sĩ trong nước thì họ sẽ tạo ra bức tường thành trong cuộc chống chọi với Covid-19. Thế nhưng trong vòng hơn một năm qua, họ đã phải đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ, không được trả lương, có nguy cơ cao nhiễm virus và hoàn toàn phải bỏ bê việc học.
"Chúng tôi là bia đỡ đạn, thế thôi", Tara nói.

Một khu hỏa táng ở New Delhi làm việc hết công suất khi số người chết vì Covid-19 vẫn tiếp tục tăng lên. Ảnh: AFP.
Tại 5 bang đang bị virus tấn công nặng nề nhất ở Ấn Độ, các bác sĩ đang tham gia chương trình đào tạo sau đại học đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, kêu gọi chính quyền nên chuẩn bị cho làn sóng Covid-19 thứ hai, nhưng đều bị làm ngơ.
Jignesh Gengadiya, một sinh viên y khoa sau đại học 26 tuổi, đã biết mình sẽ phải làm viêc 24 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần khi đăng ký theo học tại trường Cao đẳng Y tế Chính phủ ở thành phố Surat, bang Gujarat.
Điều mà Gengadiya không ngờ đến là anh trở thành bác sĩ duy nhất phụ trách 60 bệnh nhân trong điều kiện bình thường, và còn phải chịu trách nhiệm theo dõi tình hình sức khỏe của 20 bệnh nhân khác trong khoa điều trị tích cực (ICU).
"Bệnh nhân ICU cần được để ý liên tục. Nếu có hơn một bệnh nhân trở nặng, tôi biết tìm thêm ai để hỗ trợ đây?", Gengadiya lo lắng nói.
Hôm 27/4, Ấn Độ ghi nhận thêm 323.144 ca nhiễm mới trong tổng số hơn 17,6 triệu ca, chỉ đứng sau Mỹ. Bộ Y tế Ấn Độ thông báo có thêm 2.771 người tử vong chỉ trong một ngày, tương đương 115 người chết vì căn bệnh này mỗi giờ.
Giữa những cảnh báo rằng nguyên nhân gây ra làn sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ là do biến thể mới của nCoV có khả năng lây nhiễm cao hơn, các nhân viên y tế và chính trị gia ở đất nước lân cận Pakistan đang lo sợ họ sẽ là nước tiếp theo bị ảnh hưởng.
"Rõ ràng là chúng ta đang có xu hướng rơi vào tình trạng mà Ấn Độ đang gặp phải hôm nay", bác sĩ Muhammad Suhail của bệnh viện phúc hợp Y tế ở Hayatabad nói, cho biết ngày 27/5 Pakistan khi nhận 4.500 ca nhiễm mới.
"Cả Pakistan và Ấn Độ đều gặp những vấn đề tương tự. Người dân ở cả hai quốc gia đều không tuân thủ các biện pháp phòng tránh dịch bệnh", Suhail nói với Telegraph.
Hướng Dương (Theo Mail)