Một khu văn phòng đổi tiền ở Paris. |
Mọi việc thay đổi từ khi đồng đôla Mỹ sụt giá 20% so với lúc anh mới tới châu Âu hai năm trước. Cuộc sống của chàng phóng viên nghiệp dư 30 tuổi này bắt đầu lao đao. "Trước đây, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mình có thể sống thoải mái ở Berlin, nhưng giờ đây thật kinh khủng. Tôi đang cố mọi cách để dành dụm chút đồng euro", Curry nói.
Đồng đôla yếu cộng với luật mới về thuế ảnh hưởng tới khoảng 350.000 người Mỹ sống tại châu Âu, đặc biệt là những người được trả lương bằng USD. Cuộc sống của sinh viên, công chức và người Mỹ về hưu ở Berlin, Paris, London khó khăn hơn khi đồng đôla rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 26 năm trở lại đây.
"Tôi vừa đổi 15.000 USD để lấy lại 10.200 euro, thật kinh khủng", cây viết người Mỹ Eunice Lipton, sống ở Paris, cho biết..
Lipton cảm nhận rõ được sự mất giá của đôla khi đi chơi với bạn bè hoặc vào nhà hàng ăn tối. "Tôi không than vãn gì cả vì người Mỹ từng sống rất thoải mái ở đây nhiều năm qua", bà nói. "Tôi từng rất hả hê vì tỷ lệ chênh lệch giữa đồng đôla và euro. Bây giờ tôi chỉ mong mọi chuyện tốt đẹp hơn".
Khoảng 50.000 người Mỹ chuyển tới Đức sinh sống năm 2006 vì ngưỡng mộ nghệ thuật, âm nhạc, lịch sử cũng như mức chi tiêu khá thấp của nơi này. Berlin, với nhiều cây xanh, còn được đánh giá là một nơi "tuyệt hơn ở nhà".
Tuy nhiên, những người phải sống bằng đôla đang phải rất cẩn thận trong việc chi tiêu. "Tiền của tôi cứ như đang bị giảm mất một nửa vì tỷ lệ hối đoái giữa đôla và euro", trợ lý giáo sư Mara Leichtman nói. Cô đang thuê nhà một người bạn ở Berlin và không đi mua quần áo mới để giảm chi phí.
Năm ngoái, chính phủ Mỹ vừa có chấn chỉnh mới về thuế. Monique Luegger, cố vấn về thuế cho các khách hàng Mỹ, cho biết dù luật mới này ảnh hưởng chủ yếu tới những người có thu nhập cao, sự yếu kém của đồng đôla đang khiến cho những người làm việc tại Mỹ nhưng muốn nghỉ hưu ở châu Âu gặp khó khăn.
Nhiều nhóm thương gia nước ngoài cho rằng sự mất giá của USD và luật thuế mới khiến châu Âu bớt hấp dẫn với người Mỹ. "Nếu tình hình tồi tệ hơn, tôi sẽ phải bỏ đi hoặc cố tìm thu nhập bằng euro", Curry nói.
Một vài người Mỹ vẫn có ý định ở lại, mặc dù điều đó có nghĩa là họ phải ăn cơm nhà tự nấu và mặc quần áo cũ. "Tôi thích ở châu Âu. Tôi sống ở một thị trấn gần trường đại học ở Mỹ vì thế dù tài chính bị ảnh hưởng, tôi cũng không muốn trở về", Leichtman nói.
"Tôi không trở lại Mỹ đâu. (Tổng thống Mỹ George) Bush chẳng quan tâm gì tới giá trị của đồng USD vì ông ta có tính cách tỉnh lẻ. Hầu hết người Mỹ đều có tâm lý này, họ chẳng biết hề biết USD đáng giá thế nào ở nước ngoài", bà Lipton, ở Paris, nói.
(Theo VnExpress)